Ảnh minh họa ITN.
Gần đây có một số ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu, giao cho các sở GD&ĐT được quyết định, lựa chọn một bộ sách giáo khoa (SGK) thống nhất theo cấp học để thuận tiện trong việc giảng dạy, học tập.
Đề xuất này xuất phát từ thực tế khi trường học được chọn SGK, một số học sinh chuyển trường có những trở ngại tâm lý khi phải mua và học sách theo trường mới đến.
Thực tế cho thấy, lựa chọn SGK là một vấn đề khá phức tạp và nhạy cảm, nhất là trong những năm đầu thay sách mới với nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên học sinh lớp 1 cả nước chính thức học SGK mới, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó quy định quyền quyết định lựa chọn sách của các nhà trường.
Tuy nhiên do năm đầu thay sách, việc cung ứng sách còn chậm, các địa phương lúng túng nên đến tháng 8/2020, chuẩn bị triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 2 từ năm học 2021 - 2022, Bộ ban hành Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT thay thế Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT. Theo đó, UBND cấp tỉnh tổ chức lựa chọn SGK.
Với quy trình này, địa phương chủ động hơn nhưng người trực tiếp sử dụng là giáo viên, học sinh lại không có quyền chọn sách. Việc giao quyền chọn SGK vào một số ít người (hội đồng cấp tỉnh) khiến cho lựa chọn không sát thực tiễn, không phù hợp với mong muốn người dạy, người học.
Kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK cho thấy quy định lựa chọn tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT chưa chặt chẽ dẫn tới cách thức triển khai không thống nhất giữa các địa phương, tạo kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh. Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng công bố hàng loạt sai sót của các địa phương trong lựa chọn, quy trình lựa chọn SGK (giai đoạn từ 1/1/2021 đến 31/5/2022).
Sau 3 năm học lựa chọn SGK theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT, Bộ đã ban hành Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT thay thế quy định cũ, theo đó từ năm học 2024 - 2025 trao lại quyền lựa chọn SGK cho các nhà trường, thay vì UBND cấp tỉnh, với quy trình chặt chẽ hơn.
Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT được đánh giá không chỉ hạn chế các kẽ hở để trục lợi và cạnh tranh không lành mạnh, mà còn đặc biệt phát huy trách nhiệm của giáo viên trong chọn SGK, bởi thầy cô là người hiểu rõ nhất học sinh trường mình và các điều kiện dạy học, nên chọn sách phù hợp hơn.
Trong bối cảnh tất cả cấp lớp đã thực hiện SGK mới, việc xuất bản và cung ứng sách không còn phức tạp như những năm dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT phê duyệt danh mục, cơ sở giáo dục lựa chọn SGK như quy định Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT là đảm bảo phù hợp với điều kiện của địa phương và mục tiêu của chương trình GDPT.
Quy trình này cần tiếp tục được thực hiện nghiêm túc, bởi thực tế cho thấy mỗi nhà trường tổ chức giảng dạy với các bộ SGK khác nhau không ảnh hưởng đến việc phụ huynh tham gia vào quá trình kiểm tra, hướng dẫn con em, cũng như việc học tập và thi cử của học sinh. Trường hợp học sinh do chuyển từ trường này sang trường khác giữa năm học có thể phải mua SGK khác cho phù hợp chỉ là cá biệt, không nên vì thế mà hạn chế vai trò nhà trường trong chọn sách.
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần thay đổi quan niệm của giáo viên, cán bộ quản lý, phụ huynh, học sinh về cách sử dụng SGK. Hoạt động dạy và học tại các nhà trường phổ thông được thực hiện thống nhất trên toàn quốc theo chương trình GDPT ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT.
Các SGK được biên soạn với ngữ liệu, hình ảnh, cấu trúc khác nhau nhưng đều có chung mục tiêu là cụ thể hóa chương trình; SGK là một loại học liệu đặc biệt, chứ không phải “pháp lệnh” bắt buộc như ở chương trình cũ.
Nếu không thay đổi được thói quen, quan niệm, cách tiếp cận với SGK, vẫn cần đến sở GD&ĐT chọn và áp một bộ sách chung cho từng cấp học, các nhà trường khó có thể đạt được điểm đổi mới quan trọng của chương trình mới theo đúng tinh thần Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm