Trung Quốc có hàng trăm thành phố với sức kinh tế khác nhau.
Người dân ở đây đang định hình lại thị trường nội địa, thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp lớn và vươn ra toàn cầu.
Thu hẹp khoảng cách
Hơn mười năm trước, khi chuyển đến Thượng Hải, Li Wei ngỡ ngàng trước sự khác biệt rõ rệt trong thói quen tiêu dùng so với thị trấn nhỏ nơi cô từng sinh sống. Từ trang phục, phương tiện đi lại đến thực phẩm, mọi thứ ở đây đều mang vẻ hào nhoáng và đắt đỏ hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, gần đây, cô nhận thấy cách biệt đang dần thu hẹp. Tại quê hương Vĩnh Khang, thành phố khoảng một triệu dân thuộc tỉnh Chiết Giang, nhiều người mặc trang phục đến từ các hãng nổi tiếng ở đô thị lớn. Điều này làm khoảng cách trong cách tiêu dùng giữa các thành phố lớn và thị trấn nhỏ đang dần mờ nhạt.
Quan sát của Li phản ánh sự chuyển biến sâu sắc trong bức tranh tiêu dùng tại Trung Quốc. Chi tiêu tại các thành phố nhỏ đang tăng trưởng nhanh hơn so với các đô thị hàng đầu, thu hút sự chú ý từ nhiều thương hiệu cao cấp. Thậm chí, không ít xu hướng mới bắt đầu nhen nhóm từ những đô thị nhỏ và lan dần đến các trung tâm lớn.
Xu hướng này phần nào phản ánh tiềm năng kinh tế lớn tại các thành phố nhỏ, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng giao thông và thương mại điện tử, giúp hàng hóa và thị hiếu lan tỏa dễ dàng hơn. Ngoài ra, khi thị trường bất động sản lao dốc trong 3 năm qua, các hộ gia đình ở những thành phố nhỏ dường như chịu ít tác động tâm lý hơn so với người dân tại các đô thị lớn.
Trung Quốc hiện có khoảng 700 thành phố, thường được xếp hạng không chính thức theo mô hình kim tự tháp dựa trên dân số và quy mô kinh tế. Những siêu đô thị như Thượng Hải, nơi có khoảng 25 triệu dân, nằm ở cấp đầu tiên; còn phần lớn thủ phủ các tỉnh được xếp vào cấp 2. Vĩnh Khang nằm trong nhóm 4 cùng với hàng trăm đô thị khác trên cả nước.
Theo số liệu chính thức, mức chi tiêu tiêu dùng bình quân đầu người tại Trung Quốc tăng khoảng 5% trong năm ngoái. Tuy vậy, khảo sát của tờ The Paper cho thấy nhiều thành phố cấp 3 - 4 ghi nhận mức tăng cao hơn đáng kể. Trái lại, những đô thị lớn như Thượng Hải chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn, với tỷ lệ 0,4%.
Chính đà tăng trưởng nhanh này đang trở thành lực hút mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp mới. Nếu như các cửa hàng đồ ăn nhanh như McDonald’s, KFC tiên phong mở rộng vào thị trường cấp thấp khoảng một thập kỷ trước, thì giờ đây, các thương hiệu cao cấp cũng đang nối gót.
Bức tranh tiêu dùng tại các đô thị nhỏ hiện rõ nét qua hình ảnh “quý cô thị trấn”, mô tả những phụ nữ sinh sống ở các thành phố cấp huyện nhưng sở hữu lối sống sang trọng. Họ dùng hàng hiệu, du lịch nước ngoài, uống trà chiều trong các khách sạn cao cấp.
Động lực tăng trưởng
Nguyên nhân sâu xa của sự bùng nổ chi tiêu tại các thành phố nhỏ chính là tốc độ tăng thu nhập nhanh hơn so với các khu vực phát triển.
Dựa trên phân tích dữ liệu chính thức của truyền thông Trung Quốc, trong nửa đầu năm 2024, thu nhập khả dụng bình quân đầu người ở các thành phố cấp 3 - 5 đã tăng gần 5,8%, vượt hơn một điểm phần trăm so với mức tăng ở các đô thị cấp 1 - 2.
Cụ thể, Vĩnh Khang, ghi nhận mức tăng thu nhập 5,8% trong khu vực đô thị, với các ngành dịch vụ như bán lẻ và khách sạn đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất về sản lượng. Đây có thể được xem như một ví dụ điển hình của hiện tượng “bắt kịp” trong kinh tế, khi các khu vực kém phát triển vươn lên mạnh mẽ nhờ vào dòng đầu tư đúng đắn.
Ông Wang Qiang, nhà đầu tư tại quỹ Ruwu Ventures, cho rằng các thành phố nhỏ với mức lương và chi phí đất đai thấp hơn tạo điều kiện lý tưởng để doanh nghiệp phát triển, đặc biệt khi họ có thể áp dụng các mô hình và chiến lược thành công từ những khu vực phát triển hơn của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, sự mở rộng mạnh mẽ của hệ thống đường sắt cao tốc và đường bộ trong thập kỷ qua đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng tại các đô thị nhỏ, khi hàng hóa, con người và ý tưởng có thể di chuyển dễ dàng hơn giữa các khu vực có quy mô khác nhau.
Việc dỡ bỏ hệ thống “hộ khẩu”, vốn từng cản trở người nhập cư nội địa tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như y tế và giáo dục, đã giúp nhiều thành phố nhỏ thu hút thêm cư dân mới. Trái ngược hoàn toàn với tình trạng tại các đô thị lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải, nơi vẫn duy trì các rào cản nghiêm ngặt đối với di cư nội địa, khiến dân số tại đây có xu hướng giảm.
Ông Zhang Bochao, nghiên cứu viên cộng tác tại Viện Kinh tế thuộc Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, cho biết: “Làn sóng di cư từ nông thôn ra thành thị vẫn tiếp tục, nhưng hiện nay, nhiều thành phố hạng 3 đang chứng kiến dòng người lao động quay về. Họ từng làm việc tại các trung tâm lớn và trở về mang theo cả lối sống và thói quen tiêu dùng”.
Tuy nhiên, do số lượng thành phố cấp thấp rất lớn, thật khó để khái quát động lực phát triển của từng nơi. Một trong những xu hướng đáng chú ý là sự tái cơ cấu ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc, khi nhiều doanh nghiệp chọn chuyển nhà máy về các thành phố nhỏ, không chỉ vì chi phí nhân công thấp hơn, mà còn để gần hơn với các thị trường tiêu dùng đang mở rộng nhanh chóng.
Điển hình là Vĩnh Khang, được mệnh danh là “thành phố cửa ngõ” nhờ vào các doanh nghiệp chuyên sản xuất cửa kim loại, nơi sản lượng công nghiệp đã tăng gần 10% trong năm ngoái.
Các đô thị như vậy thường bao gồm cả vùng nông thôn rộng lớn trong phạm vi quản lý, vì vậy, quá trình đô thị hóa cũng trở thành một nguồn tăng trưởng đáng kể. Khi người dân chuyển từ các làng quê và thị trấn lân cận vào trung tâm thành phố, họ rời bỏ nghề nông để tìm kiếm các công việc có thu nhập cao hơn trong lĩnh vực dịch vụ hoặc sản xuất. Theo cuộc điều tra dân số năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa ở Vĩnh Khang mới chỉ đạt 67%, cho thấy vẫn còn dư địa lớn cho tăng trưởng trong tương lai.
Ông Zhang nhận định: “Sức mua ngày càng tăng tại những khu vực này đang nâng tầm ảnh hưởng của nền kinh tế cấp quận. Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là những điểm đến chính cho các khoản đầu tư vào các ngành công nghiệp mới nổi”.
Buổi triển lãm xe hơi tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Nhóm người “80%”
Tuy nhiên, không phải thành phố nhỏ nào cũng phát triển thuận lợi. Tình hình rất khác nhau giữa các vùng miền, đặc biệt là ở khu vực Đông Bắc, nơi nhiều đô thị nhỏ đối mặt với làn sóng dân cư rời đi do triển vọng kinh tế kém tích cực.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, một xu hướng phổ biến trên cả nước là doanh nghiệp tại các thành phố cấp 3 - 4 đang tận dụng hệ thống giao thông ngày càng hiện đại để mở rộng quy mô kinh doanh. Việc kết hợp giữa sản xuất chuyên môn hóa và dịch vụ đang dần hình thành nên một cấu trúc kinh tế hỗn hợp, phù hợp với bối cảnh mới.
Đơn cử, tại thành phố Heze, phía Đông tỉnh Sơn Đông, ngành thương mại điện tử phát trực tiếp đã thổi luồng sinh khí mới vào lĩnh vực trồng hoa địa phương. Công nghệ hiện đại được áp dụng để nâng cao hiệu quả từ khâu canh tác đến đóng gói, giúp sản phẩm vươn xa hơn.
Nhiều nền kinh tế địa phương cũng bắt đầu xây dựng thương hiệu riêng, nhờ đó giữ lại được phần lớn giá trị gia tăng từ sản xuất nông nghiệp. Chẳng hạn, tại Liễu Châu, thành phố nhỏ ở miền Nam Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, sự bùng nổ toàn quốc của thương hiệu “mì ốc” đã kéo theo làn sóng đầu tư vào các sản phẩm chế biến liên quan như măng ngâm hay đậu phụ khô.
Một xu hướng khác đang định hình kinh tế tiêu dùng Trung Quốc là việc các hộ gia đình tại các thành phố nhỏ dành tỷ lệ lớn thu nhập cho chi tiêu. Trong khi các gia đình ở Thượng Hải chi khoảng 60% thu nhập khả dụng cho hàng hóa tiêu dùng, thì con số này ở Yongzhou, thành phố hạng 4 thuộc tỉnh Hồ Nam, lên tới 80%.
Một phần lý do là niềm tin vào triển vọng thu nhập trong tương lai. Theo khảo sát người tiêu dùng của McKinsey năm ngoái, 75% người thuộc thế hệ thiên niên kỷ ở các thành phố cấp thấp tin tưởng vào triển vọng kinh tế Trung Quốc, cao hơn 10 điểm phần trăm so với nhóm đồng lứa tại các đô thị lớn hơn.
Bên cạnh đó, chi phí nhà ở tương đối thấp cũng đóng vai trò quan trọng. Tại các thành phố nhỏ, tiền thuê và chi phí mua nhà thường thấp hơn so với mức thu nhập, cho phép người dân dành nhiều hơn cho tiêu dùng.
Từ năm 2021, khi giá nhà bắt đầu lao dốc trên toàn quốc, sự chênh lệch giữa các thành phố ngày càng rõ rệt. Nhiều đô thị hạng thấp ghi nhận mức giảm giá mạnh hơn so với các thành phố lớn, do cung vượt cầu.
Theo lý thuyết kinh tế truyền thống, giá nhà giảm có thể làm người tiêu dùng dè dặt hơn, vì họ cảm thấy tổn thất “hiệu ứng tài sản”. Thực tế này dường như đúng ở các thành phố hạng nhất, nơi sự sụt giảm giá trị bất động sản đã làm xói mòn niềm tin của các nhóm dân cư giàu có.
Sức tiêu dùng tại các thành phố nhỏ ở Trung Quốc tăng mạnh.
Xu hướng định hình
Tại Thượng Hải, nhiều nhà hàng sang trọng đã buộc phải đóng cửa. Khảo sát của công ty tư vấn MDRi cho thấy cư dân tại các thành phố hạng nhất đã cắt giảm đáng kể chi tiêu cho hàng xa xỉ trong năm 2024. Ngược lại, người tiêu dùng ở các thành phố hạng hai và ba lại có xu hướng chi tiêu nhiều hơn.
Miniso Plaza tại Nam Kinh, đô thị hạng 2 và cũng là thủ phủ tỉnh Giang Tô, đã vượt qua SKP Bắc Kinh để trở thành trung tâm thương mại có doanh số một cửa hàng cao nhất thế giới vào năm ngoái, với doanh thu vượt 24 tỷ nhân dân tệ.
Ngoài ra, sự cạnh tranh về cơ hội việc làm hay suất học ở các trường chất lượng cũng không gay gắt như tại các thành phố lớn, góp phần tạo ra cảm giác ổn định và dễ thở hơn cho cư dân tầng lớp trung lưu và thu nhập thấp.
Với 70% dân số Trung Quốc sống ở các thành phố hạng 3 trở xuống, nhóm tiêu dùng này đang ngày càng chi tiêu mạnh tay và định hình các xu hướng mới.
Theo chuyên gia nghiên cứu thị trường tại công ty tài chính AlixPartners, người tiêu dùng ở thị trấn nhỏ không chỉ nâng cấp các sản phẩm quen thuộc, mà còn sẵn sàng thử nghiệm những lĩnh vực tiêu dùng hoàn toàn mới, như bàn chải đánh răng điện hay các sản phẩm dành cho thú cưng.
Trước đây, các thành phố lớn dẫn dắt xu hướng tiêu dùng, nhưng hiện nay, các đô thị cấp thấp đang trở thành động lực kinh tế và ảnh hưởng sâu sắc đến chiến lược kinh doanh toàn quốc. Một số thương hiệu lớn của Trung Quốc như Pinduoduo hay Hellobike đã chọn cách mở rộng từ thị trấn nhỏ trước khi vào thành phố lớn, chiến thuật được gọi là “bao vây thành phố từ nông thôn”.
Các nhà đầu tư mạo hiểm cũng đang trở lại với lĩnh vực tiêu dùng sau giai đoạn tập trung vào công nghệ cao. Theo ông Wang, các thương hiệu đáp ứng nhu cầu thiết yếu luôn có chỗ đứng, bất kể hoàn cảnh nào.
Một số ví dụ thành công đến từ các thành phố nhỏ: Siêu thị Pangdonglai tại Hứa Xương (Hà Nam), chuỗi đồ uống Mixue và thương hiệu hamburger Tastien đều khởi đầu từ các thị trường cấp thấp trước khi mở rộng ra toàn quốc và quốc tế.
“Hiểu được người tiêu dùng ở các thị trường nhỏ nhưng là nhóm đông đảo nhất Trung Quốc chính là chìa khóa thành công. Với họ, thành phố lớn là đích đến, không phải điểm xuất phát”, ông Wang cho biết.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm