I - Những nguyên nhân gây đau đầu sau khi đi bơi
Triệu chứng đau đầu trong và sau khi bơi rất phổ biến mà nhiều người gặp phải, thường do chứng viêm xoang, áp lực nước, đau dây thần kinh hốc mắt, bơi quá gắng sức… và nhiều tác nhân bệnh lý khác.
1. Viêm xoang
Bể bơi được coi là một trong những môi trường dễ gây bệnh nhất, đặc biệt là các bệnh lý về mũi, tai, mắt và da. Rất nhiều người sau khi đi bơi về có biểu hiện của viêm xoang như đau rát, ngứa ở hốc mũi, ngạt mũi, chảy nước mũi, đau lan lên trán, xung quanh mắt và nửa đầu kèm theo ho.
Nguyên nhân là bởi trong nước bể bơi có chứa chất clo, khi tiếp xúc với niêm mạc mũi sẽ gây kích ứng. Bên cạnh đó, sự chênh lệch nhiệt độ giữa môi trường ngoài và trong nước hoặc nước bể không sạch sẽ, có nhiều vi khuẩn gây bệnh cũng là tác nhân của chứng viêm xoang. Nếu không chữa trị kịp thời và không có biện pháp bảo vệ mũi khi đi bơi thì tình trạng sẽ trầm trọng hơn, gây nên những biến chứng nguy hiểm, nhất là đối với trẻ nhỏ.
Kích ứng khoang xoang khi bơi có thể dẫn đến đau đầu
2. Áp lực tác động
Mũ bơi và kính bơi khi đeo quá chật sẽ tạo áp lực trực tiếp lên vùng da đầu và trán, gây cảm giác như đầu bị siết chặt và đau nhức khó chịu. Tình trạng này có thể biến mất khi cởi bỏ mũ và kính, nhưng cũng dễ diễn tiến thành đau nửa đầu kèm theo buồn nôn và nhạy cảm với ánh sáng nếu người bệnh tiếp tục đeo kính và đội mũ chật trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, dưới áp lực của nước khiến nhiều người gặp phải tình trạng bị thiếu máu lên não, từ đó gây ra đau đầu.
3. Đau dây thần kinh hốc mắt
Những cơn đau đầu sau khi bơi có thể xuất hiện do thói quen đeo kính bơi quá chật để tránh nước tràn vào bên trong kính, gây ra hiện tượng chèn ép dây thần kinh trên hốc mắt.
Tình trạng này thường khởi phát âm thầm và chỉ trở nên rõ rệt khi bơi liên tục trong thời gian dài. Tùy theo mức độ tổn thương của dây thần kinh trên hố khi bị chèn ép mà chứng đau đầu có thể biến mất khi dừng đeo kính bơi hoặc tồn tại dai dẳng, đòi hỏi điều trị bằng thuốc hoặc liệu pháp phong bế thần kinh.
Đau đầu do dây thần kinh hốc mắt bị chèn ép trong khi đang bơi
4. Do dùng quá nhiều sức
Đau đầu khi gắng sức bơi lội thường xuất hiện sau khi kết thúc hoạt động và kéo dài trong tối đa 48 giờ tiếp theo. Đây là tình trạng khá hiếm gặp. Ngoài ra, dùng quá nhiều sức khi bơi trong điều kiện thời tiết nắng nóng cũng dễ gây ra những cơn đau đầu.
5. Chứng đau đầu do căng cơ
Những cơn đau đầu do căng cơ cũng có thể xuất hiện sau khi bơi do không khởi động kỹ dẫn đến chuột rút, căng cơ. Cơn đau xuất hiện ngay sau vài phút hoặc vài tiếng sau khi ngừng bơi, triệu chứng đau nhức ở cả hai bên đầu, không đau nhói mà âm ỉ, có thể đau nhẹ hoặc trung bình.
7. Chứng đau nửa đầu
Đối với những người bệnh bị chứng đau nửa đầu, bơi lội có thể là một tác nhân khiến cơn đau trầm trọng hơn. Người bệnh có thể cảm thấy đau một bên đầu, chóng mặt, ù tai, buồn nôn, nôn mửa, nhạy cảm với ánh sáng.
8. Viêm tai ngoài
Cũng giống như mũi, tai là bộ phận dễ bị kích thích khi tiếp xúc với môi trường bể bơi. Trong quá trình bơi lội, nước trong bể lọt vào tai và đọng lại. Vi khuẩn và nấm trong nước sẽ tấn công bề mặt ống tai ngoài, gây ngứa, đau tai lan đến đầu, mặt và cổ, tai có dịch nhầy, sưng tấy, ù tai, nặng tai.
Đau đầu, cổ, sưng tai do mắc chứng viêm tai ngoài sau khi bơi
II - Đau đầu sau khi bơi có phải dấu hiệu bệnh nguy hiểm?
Đi bơi về bị đau đầu là tình trạng khá phổ biến, tuy nhiên nếu xuất hiện những triệu chứng bất thường đi kèm thì rất có thể đó là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý nguy hiểm như nhiễm virus amip ăn não, đột quỵ hoặc chấn thương não…
1. Nhiễm amip ăn não
Naegleria fowleri - amip ăn não người là một loại ký sinh trùng cực kỳ nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Chúng thường xâm nhập vào não qua đường mũi khi người bệnh tham gia hoạt động bơi lội ở ao, hồ, sông, suối.
Ký sinh trùng này khi vào cơ thể sẽ gây bệnh viêm màng não tiên phát, với các triệu chứng điển hình như đau đầu dữ dội, sốt cao, buồn nôn, nôn mửa, cứng cổ, mất khả năng giữ thăng bằng, vị giác và khứu giác thay đổi, thậm chí là nhìn thấy ảo giác và động kinh. Bệnh diễn tiến rất nhanh và có thể gây tử vong chỉ trong thời gian rất ngắn.
Đau đầu vì nhiễm amip ăn não do bơi tại sông hồ
2. Đột quỵ
Hãy cẩn trọng với những cơn đau đầu dữ dội, cảm giác chóng mặt, khó cử động, yếu chi sau khi bơi lội, bởi đây rất có thể là dấu hiệu ban đầu của đột quỵ. Những người bị huyết áp cao, mắc bệnh tim mạch, người lớn tuổi, người có thói quen bơi lội buổi sáng có nguy cơ là nạn nhân của các cơn đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Ngoài ra, nếu bỏ qua bước khởi động trước khi bơi, dùng quá nhiều sức khi bơi, bơi trong nước lạnh quá lâu cũng sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ.
3. Chấn thương trong quá trình bơi
Chấn thương trong lúc bơi là một trong những sự cố thường gặp khi đi bơi, trong đó chấn thương ở đầu có mức độ phổ biến khá cao, có thể gây ra chấn động nhẹ đến tổn thương nghiêm trọng ở não, gây ra di chứng vĩnh viễn. Nguyên nhân có thể do té ngã ở hồ bơi, đập đầu vào thành hoặc đáy bể, thiếu oxy do ngạt nước tạm thời…
Thiếu oxy, chấn thương do va đập cũng gây nên triệu chứng đau đầu
III - Cách giảm đau đầu sau khi bơi hiệu quả nhất
Để chấm dứt những cơn đau đầu khó chịu sau khi bơi lội, bạn có thể áp dụng một số phương pháp sau:
- Nếu có tiền sử bị đau nửa đầu, sau khi bơi nên nhanh chóng lau khô người, mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, uống một chút nước hoặc cà phê và nghỉ ngơi trong không gian tối, yên tĩnh.
- Nếu xuất hiện triệu chứng viêm xoang, hãy dùng nước muối pha loãng xịt sâu vào trong mũi để loại bỏ hóa chất và vi khuẩn, làm sạch bề mặt niêm mạc.
- Sử dụng thuốc kháng sinh nhỏ tai theo chỉ định của bác sĩ trong trường hợp bị viêm tai ngoài và viêm tai giữa.
- Tập thở đều để điều chỉnh lượng oxy trong cơ thể về mức ổn định.
- Massage nhẹ nhàng ở cổ, vai, gáy và hai bên thái dương kết hợp bấm huyệt để giảm đau đầu.
- Uống thêm nước và hít thở đều để lấy lại oxy.
- Dùng một số loại thuốc giảm đau đầu không kê đơn như Aspirin, Acetaminophen, Ibuprofen.
Lưu ý: Nếu cảm thấy đau nhức đầu dữ dội kèm theo những biểu hiện như chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa, sốt... thì nên lập tức đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
IV - Phải làm sao để phòng ngừa đau đầu khi bơi?
- Sử dụng các loại mũ bơi có khả năng co giãn tốt, kính bơi loại chuyên dùng cho vận động viên hoặc loại có khả năng ôm sát, dây đeo có thể dễ dàng tùy chỉnh độ dài cho phù hợp với kích thước vòng đầu. Trong quá trình bơi không thít dây quá chặt để hạn chế gây áp lực lên dây thần kinh hốc mắt. Tháo kính bơi và mũ nếu cảm thấy đau đầu.
- Dùng nút bịt tai và kẹp mũi chuyên dụng để ngăn nước xâm nhập vào tai, mũi.
- Khởi động kỹ toàn thân trước khi bơi trong 10 - 15 phút.
- Thường xuyên bổ sung nước cho cơ thể trong khi bơi.
- Tránh gắng sức khi bơi, chỉ nên bơi với cường độ vừa phải, phù hợp với thể trạng bản thân.
- Không sử dụng rượu bia trước khi bơi.
- Không đi bơi sau khi vận động mạnh, lúc đói hoặc ăn no. Chỉ nên ăn một chút đồ ăn nhẹ trước khi bơi để cung cấp năng lượng vừa đủ cho hoạt động thể chất này.
- Tập thở đúng kỹ thuật để tránh hít phải quá nhiều nước khi bơi.
- Không bơi vào sáng sớm hoặc khi chênh lệch giữa nhiệt độ bên ngoài và trong nước cao.
- Không bơi quá lâu, nếu cảm thấy cơ thể mệt mỏi, tim đập nhanh, chân tay đau nhức, bụng đói, da chuyển màu tái nhợt thì hãy lập tức dừng bơi và tìm chỗ nghỉ ngơi.
- Không nên lặn quá sâu.
- Lựa chọn bể bơi sạch.
- Người bị huyết áp, tim mạch nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi đi bơi.
Khởi động kỹ trước khi bơi lội
Bơi lội là hoạt động thể chất có tác dụng tốt với sức khỏe và được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, để hạn chế nguy cơ đi bơi về bị đau đầu, bạn cần nắm rõ cơ chế gây đau do bơi và áp dụng những biện pháp phòng tránh được nêu trong bài viết trên.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm