Năm học 2023 – 2024, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập tại TP HCM diễn ra trong hai ngày 6 và 7/6 với ba môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
Sau khi kỳ thi kết thúc, ngày 8/6, trên các diễn đàn mạng xã hội, một số ý kiến cho rằng đề thi Toán trong kỳ thi này có sai sót.
Theo đó, bài 5 của đề thi có một số sai sót về mặt bản chất của Vật lý, cụ thể: Đề cho công suất P cùng với đơn vị đi kèm là W, các hệ số a,b trong công thức P= at + b phải có đơn vị tương ứng là W/s và W. Nếu đáp án hoặc lời giải của học sinh chỉ cho số mà thiếu đơn vị là không đúng.
Đồng thời, nếu hiểu tìm thời gian t tính từ t = 0 để P (t) = 105W, dữ kiện “đun sôi nước” gây hiểu lầm, không liên quan đến bài toán. Nếu vẫn giữ cách hiểu là tìm thời gian để đun sôi nước với công suất 105W nảy sinh ra nhiều rắc rối.
Đề viết đun sôi nước với công suất cố định là gây hiểu lầm, vì thiếu các dữ kiện nhiệt độ bắt đầu, khối lượng nước, nhiệt dung riêng của nước. Hơn nữa, giải theo hướng này, không liên quan gì đến hàm P (t) đã cho mà chỉ áp dụng tính công W = P.t = 105.t và giải phương trình Q = W và tìm ẩn t.
Ngoài ra, vì công suất P (t) thay đổi theo thời gian t, nên cần thực hiện tính theo công thức tích phân, tuy nhiên kiến thức tích phân nằm ngoài chương trình và dữ kiện 105W trở nên mơ hồ.
Không ít giáo viên cho rằng, với các dữ liệu được cung cấp trong đề thi, nếu học sinh áp dụng máy móc công thức có thể giải được, tuy nhiên nếu phân tích chuyên sâu hơn từ góc độ Vật lý (đối với các học sinh giỏi) thì các em sẽ lúng túng.
Liên quan đến vụ việc này, ngày 9/6, Sở GD&ĐT TP HCM đã có phản hồi chính thức. Theo Sở, bài toán đưa ra nội dung liên quan hiện tượng thực tế là quá trình đun để làm sôi nước trong một ấm điện (đồ gia dụng thường được sử dụng trong gia đình). Quá trình khảo sát này chỉ là một giai đoạn ngắn của quá trình đun sôi nước, thời điểm bắt đầu khảo sát (t = 0) không phải là thời điểm bắt đầu quá trình đun nước.
Với các dữ kiện khảo sát được trong quá trình này, về mặt toán học, có thể được mô tả như hình vẽ và bằng một hàm số mà học sinh đã được học trong chương trình. Chính vì thế, bằng các kiến thức và năng lực toán học (hàm số bậc nhất, đồ thị hàm số bậc nhất, điểm thuộc đồ thị, hệ phương trình bậc nhất hai ẩn, tính toán...) học sinh có thể giải quyết được các yêu cầu do đề bài đặt ra.
Sở GD&ĐT TP cho biết, theo quy định và hướng dẫn chấm thi, các trường hợp học sinh có lời giải khác với hướng dẫn chấm nhưng hợp lý đều được xem xét và đánh giá.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm