Trao đổi với PV Dân trí chiều nay (8/3), Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, thông tin Hà Nội quyết định giữ phương án thi 4 môn vào lớp 10 hiện đang bàn tán xôn xao là chưa xác thực.
"Tại buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội và Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo vào sáng 8/3, chúng tôi không bàn luận gì về việc thi vào lớp 10 THPT của Hà Nội", Lãnh đạo này cho hay. Cũng theo đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội, thông thường cuối tháng 3, Sở GD-ĐT Hà Nội mới công bố môn thi vào lớp 10 THPT.
Chia sẻ thêm với Dân trí, vị đại diện này cho hay: "Sở GD-ĐT Hà Nội đã bàn rất nhiều về vấn đề này nhưng chúng tôi đang cân nhắc. Để trình phương án thi lên UBND thành phố, chúng tôi phải cân nhắc rất nhiều yếu tố với mục tiêu tốt nhất cho thí sinh, cùng với đó, Sở phải khảo sát ý kiến của các trường, không thể tùy tiện".
Theo quy định, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố môn thi thứ 4 của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vào tháng Ba hàng năm bên cạnh ba môn cố định là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Vì thế, thời điểm này, các phụ huynh, giáo viên và học sinh đều đang rất chờ đợi thông báo của ngành giáo dục Thủ đô, đặc biệt trong bối cảnh các em phải học trực tuyến trong thời gian dài.
Đặc biệt trong thời gian vừa qua, có nhiều ý kiến về việc bỏ môn thi thứ 4 nhằm giải tải áp lực cho các em. Chia sẻ thêm về vấn đề này, trả lời trên báo VTC new, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, việc thi 3 môn hay 4 môn không quan trọng. Học sinh không nên quá lo lắng về việc bớt môn thi, thay vào đó cần làm rõ trọng tâm thi.
Yêu cầu của cuộc thi là kiểm tra năng lực thực sự của thí sinh, khả năng tư duy, không phải kiểm tra số lượng kiến thức. Vì vậy, khi ra đề, Sở GD&ĐT Hà Nội chú trọng đưa ra bài toán xem năng lực tư duy của học sinh đến đâu, để các em tự đưa ra phương án giải quyết, tự học, tự suy ngẫm.
Sở GD&ĐT Hà Nội nên hướng dẫn rõ ràng trọng tâm của các môn thi. “Nếu học theo sách giáo khoa thì rất nhiều, dàn trải, cần cho học sinh biết đâu là trọng tâm, đâu là kiến thức cơ bản, ngoài ra cũng cần xem cách các em vận dụng kiến thức đó vào cuộc sống ra sao. Đó là năng lực cần hướng tới. Quan điểm của tôi là Sở sớm công bố trọng tâm các môn thi và có định dạng bài giải, rèn tư duy gắn với thực tiễn để học sinh luyện tập chứ không nên cộng nhiều giờ học bù để gắn kiến thức vào. Như thế sẽ không lo học 3 hay 4 môn, không cần chạy theo số lượng”, ông nói.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm