Quy định mới về chứng từ thanh toán
Theo Điều 26 Nghị định 181, trường hợp cơ sở kinh doanh mua hàng hóa hoặc dịch vụ, bao gồm cả hàng nhập khẩu, có giá trị thanh toán từ 5 triệu đồng trở lên (đã bao gồm thuế GTGT), phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt để được khấu trừ thuế.
Chứng từ hợp lệ được hiểu theo quy định tại Nghị định 52/2024/NĐ-CP, tức là phải thông qua hình thức thanh toán như chuyển khoản qua ngân hàng, qua ví điện tử hoặc qua cổng thanh toán điện tử theo quy định. Đặc biệt, hình thức người mua nộp tiền mặt vào tài khoản người bán sẽ không được chấp nhận.
Từ 01/7, hàng hóa dịch vụ mua vào từ 5 triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Những trường hợp đặc biệt vẫn được chấp nhận khấu trừ
Một số hình thức thanh toán đặc biệt vẫn được xem là hợp lệ nếu có đầy đủ chứng từ theo quy định. Trường hợp đầu tiên là bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua với giá trị hàng hóa, dịch vụ bán, hoặc bù trừ thông qua bên thứ ba, nhưng phải có biên bản xác nhận rõ ràng.
Tiếp theo là trường hợp doanh nghiệp vay tiền rồi dùng để thanh toán, hoặc được bên thứ ba thanh toán hộ, miễn là có hợp đồng vay mượn bằng văn bản và chứng từ chuyển tiền qua ngân hàng. Trường hợp thanh toán thông qua bên được ủy quyền cũng được chấp nhận nếu có văn bản ủy quyền hợp pháp và thực hiện chuyển khoản qua tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Doanh nghiệp cũng có thể thanh toán bằng hình thức trả chậm hoặc trả góp, miễn là đã có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ trên 5 triệu đồng và thanh toán qua phương thức không dùng tiền mặt sau đó. Nếu thanh toán bằng cổ phiếu hoặc trái phiếu thì cần có hợp đồng mua bán được lập bằng văn bản.
Hóa đơn từ 5 triệu đồng trở lên buộc phải thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: minh họa
Khi nào không được khấu trừ thuế
Nếu tổng giá trị thanh toán là từ 5 triệu đồng trở lên mà vẫn còn phần chưa được thanh toán bằng phương thức không dùng tiền mặt thì phần đó không đủ điều kiện để khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Trường hợp không bắt buộc thanh toán chuyển khoản
Một số giao dịch nhỏ lẻ có giá trị từng lần dưới 5 triệu đồng như quà tặng, hàng mẫu, hoặc hàng nhập khẩu không phát sinh thanh toán thì không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, nếu tổng giá trị trong ngày vượt mức 5 triệu đồng, doanh nghiệp vẫn chỉ được khấu trừ phần nào có chứng từ thanh toán phù hợp.
Trong trường hợp người lao động trực tiếp thanh toán bằng tiền mặt theo quy chế nội bộ của doanh nghiệp, sau đó doanh nghiệp hoàn trả bằng chuyển khoản thì vẫn được coi là hợp lệ để khấu trừ thuế.
Hóa đơn từ 5 triệu đồng trở lên phải chuyển khoản mới được khấu trừ thuế VAT.
Mục tiêu chính sách và tác động thực tiễn
Chính sách này được kỳ vọng sẽ giúp tăng tính minh bạch trong giao dịch, phòng chống gian lận và thất thu thuế, đồng thời thúc đẩy sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại, tiến tới nền kinh tế không dùng tiền mặt.
Tuy vậy, trong thời gian đầu thực hiện, nhiều doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh cá thể có thể gặp khó khăn trong việc chuyển đổi, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa nơi thói quen dùng tiền mặt còn phổ biến.
Chính sách bắt buộc chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt từ 1/7/2025 là bước tiến quan trọng trong cải cách thuế và số hóa hệ thống kinh tế. Tuy nhiên, để đảm bảo tuân thủ và khấu trừ thuế đúng quy định, doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi phương thức thanh toán, hoàn thiện hồ sơ chứng từ ngay từ đầu.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm