Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đã đạt nhiều kết quả tích cực. Ảnh: Internet.
Nâng cao chất lượng phổ cập cho trẻ 5 tuổi
Trường Mầm non xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn thuộc địa bàn nông thôn với 100% trẻ em là người dân tộc thiểu số. Trong hơn 10 năm triển khai công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Cô giáo Nguyễn Thị Dung, người có hơn 10 năm công tác tại nhà trường, xúc động nhớ lại, những năm trước kia, vào đầu năm học, giáo viên nhà trường thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động phụ huynh cho trẻ em ra lớp. Tuy nhiên, việc huy động trẻ mẫu giáo ra lớp đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Phụ huynh nhà trường là người dân tộc thiểu số, kinh tế gia đình phụ thuộc vào nương rẫy nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Vì thế, các gia đình chưa chú trọng đến việc đưa trẻ đi học mẫu giáo. Hơn nữa, nhà trường còn nhiều điểm trường lẻ, chưa thể tổ chức ăn bán trú cho các cháu.
Tuy nhiên, đến năm 2013, Trường Mầm non xã Bằng Lãng đã được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Kể từ đó đến nay, giáo viên hầu như không còn phải vận động trẻ mẫu giáo ra lớp. Nhà trường duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Đối với một trường nông thôn còn nhiều khó khăn, kết quả này đến từ những nỗ lực không ngừng nghỉ của giáo viên, ban giám hiệu cùng sự vào cuộc của các cấp chính quyền. Nhà trường đã tham mưu với cấp chính quyền, vận động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng lớp học, đưa học sinh từ các điểm trường về trường chính.
Không chỉ vậy, nhà trường đã vận động sự đóng góp, ủng hộ từ giáo viên và các nhà hảo tâm để xây dựng sân chơi, tạo không gian rộng rãi, thoáng mát cho trẻ nô đùa và tham gia các hoạt động ngoại khóa.
Hiện tại, 100% trẻ em được ăn bán trú tại trường. Với những gia đình khó khăn, giáo viên cùng ban giám hiệu luôn động viên, tạo điều kiện giúp đỡ để các em được ăn bán trú và học tập như bạn bè.
Dần dần, cơ sở vật chất được cải thiện, bữa ăn có thêm nhiều chất dinh dưỡng nên phụ huynh cũng yên tâm cho con đến trường. Giáo viên, nhà trường cùng chính quyền địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền, giải thích tầm quan trọng của việc phổ cập giáo dục mầm non với trẻ em 5 tuổi để phụ huynh hiểu và ngày càng quan tâm hơn nữa đến việc học tập của con.
Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo còn nhiều thách thức. Ảnh: Internet.
Khó khăn khi triển khai với trẻ mẫu giáo
Nhằm nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, giáo viên Trường Mầm non xã Bằng Lãng luôn rèn luyện, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tạo dựng niềm tin yêu đối với học sinh và phụ huynh. Ngoài ra, giáo viên xây dựng môi trường học tập với không gian sinh động, ngộ nghĩnh, phù hợp với cuộc sống hàng ngày của trẻ, tạo niềm hứng khởi khi các em đến trường.
Song song với việc nâng cao chất lượng, Trường Mầm non xã Bằng Lãng đang xây dựng kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo (3-4 tuổi). Tuy nhiên, trên thực tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà trường vẫn còn nhiều thiếu thốn. Nhu cầu đưa trẻ 3 -4 tuổi ra lớp tại địa phương còn ít.
Đây cũng là trăn trở của cô giáo Tạ Thị Vẹn, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo (3-4 tuổi). Hiện nay, cơ sở vật chất, trường lớp, phòng học chưa đảm bảo đủ điều kiện cho trẻ mẫu giáo. Hơn nữa, 5 tuổi là giai đoạn chuẩn bị bước vào lớp 1 nên phụ huynh quan tâm cao hơn đến việc học tập của con so với các bé nhỏ tuổi hơn.
Do đó, để tiếp tục nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo trong giai đoạn mới cần tăng cường đầu tư giáo viên, cơ sở vật chất, trường lớp, phòng học. Về vấn đề tăng thêm cơ sở vật chất, trường lớp đạt chuẩn, ngành giáo dục cần tập trung huy động nguồn lực xã hội, tận dụng các chương trình, đề án đã được phê duyệt, gắn với chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Với vùng khó khăn, miền núi, vùng sâu vùng xa, tăng cường nhận thức của phụ huynh về phổ cập mầm non cho trẻ mẫu giáo cũng cần được quan tâm, tuyên truyền thường xuyên và liên tục.
Theo cô Nguyễn Thị Dung, khó khăn là vậy, nhưng nhận thức được tầm quan trọng của việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo và trẻ em 5 tuổi, các thầy cô và ban giám hiệu nhà trường luôn cố gắng, quyết tâm thay đổi. Chặng đường vừa qua, kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ và đó sẽ là tiền đề, là động lực để nhà trường hướng đến phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo nói riêng và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non vùng khó.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm