Nhà hát Kịch Việt Nam được thành lập năm 1952 tại chiến khu Việt Bắc. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với những tên gọi khác nhau, tiền thân là Đội Kịch thoại thuộc Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương, sau đó là Nhà hát Kịch Trung ương và nay là Nhà hát Kịch Việt Nam. Lịch sử ra đời và phát triển của Nhà hát Kịch Việt Nam gắn liền với sự phát triển của nghệ thuật Sân khấu Cách mạng Việt Nam và trưởng thành cùng lịch sử phát triển của đất nước.
NSƯT Xuân Bắc được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động. Ảnh: T.H.
70 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay Nhà hát Kịch Việt Nam có nhiều thế hệ diễn viên kế tiếp nhau với 28 Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), 61 Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) và tự hào là "Cánh chim đầu đàn", là "Anh cả đỏ" của nền nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam.
Trong 70 năm qua, Nhà hát Kịch Việt Nam đã tạo ra những thế hệ nghệ sĩ lừng danh - một thế hệ vàng của sân khấu kịch nói Việt Nam với những tên tuổi lừng lẫy như: NSND Thế Lữ, NSND Song Kim, NSND Đào Mộng Long, NSND Nguyễn Đình Nghi... đến các thế hệ kế tiếp, NSND Trọng Khôi, NSND Trần Tiến, NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Thế Anh, NSND Đoàn Dũng, NSND Doãn Châu, NSND Phạm Thị Thành, NSƯT Nguyệt Ánh, NSƯT Hà Văn Trọng, NSƯT Mỹ Dung, NSƯT Phạm Bằng, NSƯT Quang Thái, NSƯT Tú Mai… thế hệ nghệ sĩ sau như: NSND Trung Anh, NSND Lan Hương, NSƯT Quốc Khánh, NSND Việt Thắng, NSƯT Phú Đôn… và thế hệ nghệ sĩ hiện tại đang sung sức với sàn diễn như: NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Tạ Tuấn Minh, NSƯT Minh Hiếu, NSƯT Lâm Tùng, NSƯT Trịnh Mai Nguyên, NSƯT Phương Nga, Tùng Linh… và nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng khác.
Đại diện các thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam nhận Huân chương Lao động. Ảnh: T.H.
Trong lễ kỷ niệm tối qua, nhiều nghệ sĩ gạo cội dù chân đã yếu, mắt đã mờ… nhưng vẫn cố gắng đến dự. Gặp lại bạn bè, đồng nghiệp một thời, nhiều nghệ sĩ đã không cầm được nước mắt.
NSND Doãn Châu – nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ, ông rất xúc động khi được gặp lại được gần như đầy đủ các đồng nghiệp xưa. Bây giờ tuổi ai cũng đã cao, sức khỏe cũng yếu dần nên mỗi lần được gặp lại nhau, ai cũng vui mừng khôn tả.
"Chúng tôi đã có một thời gian khó, vật lộn với kịch nghệ nhưng rất thăng hoa, hạnh phúc. Ai cũng yêu sân khấu, cháy hết mình với sân khấu, với từng vai diễn. Giờ đây, thế hệ xưa người còn, người mất… nghĩ lại thấy thời gian trôi đi quá nhanh", NSND Doãn Châu bày tỏ.
Các thế hệ nghệ sĩ gặp lại nhau mừng mừng, tủi tủi. Ảnh: T.H.
NSƯT Xuân Bắc: Xin hứa sẽ luôn phấn đấu, đóng góp công sức và tài năng
Phát biểu tại buổi lễ, NSƯT Xuân Bắc nhấn mạnh: "Trong dịp này, chúng ta cùng nhìn lại quá khứ - một quá khứ hào hùng và đáng tự hào về Nhà hát Kịch Việt Nam. Những thế hệ đi trước đã làm nên một Nhà hát Kịch Việt Nam - "Cánh chim đầu đàn" của nền nghệ thuật Sân khấu. Chúng tôi – thế hệ sau, ngày hôm nay vô cùng vinh dự vì được thừa hưởng những thành quả và giá trị tốt đẹp đó. Chúng tôi xin hứa sẽ luôn phấn đấu, đóng góp công sức và tài năng để Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ mãi là "Anh cả đỏ", là "Cánh chim đầu đàn", là đại diện của nền kịch nói Việt Nam".
Thay mặt Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng ghi nhận và chúc mừng những thành tựu của Nhà hát trong 70 năm qua.
Để Nhà hát ngày càng phát triển vững mạnh và đạt được nhiều thành tựu trong hoạt động nghệ thuật, đề nghị Nhà hát Kịch Việt Nam phát huy hơn nữa những thành quả đã đạt được, đoàn kết, phấn đấu cùng khắc phục những khó khăn; vững bước đi lên trong cơ chế thị trường, không ngừng nâng cao đời sống của văn nghệ sỹ.
Tiếp tục phấn đấu xây dựng Nhà hát là một đơn vị nghệ thuật mẫu mực, đáp ứng được lòng yêu mến của khán giả, phục vụ nhân dân ở mọi miền đất nước. Đồng thời, Nhà hát Kịch Việt Nam cần tiếp tục xây dựng tác phẩm nghệ thuật mới có chất lượng cao nhằm giới thiệu rộng rãi hơn nữa với nhân dân trong nước, đặc biệt là đối với khán giả trẻ và khán giả nước ngoài; nêu cao vai trò nòng cốt trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật để mãi xứng đáng là "Con chim đầu đàn", "Anh cả đỏ" của nền kịch nói Việt Nam.
Nghệ sĩ Xuân Bắc phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh: T.H.
Nhân dịp này, Nhà hát kịch Việt Nam đã giới thiệu đến công chúng yêu nghệ thuật kịch chuỗi chương trình nghệ thuật đặc sắc từ ngày 8 - 17/12 tại Hà Nội.
Khán giả Thủ đô sẽ có dịp thưởng thức nhiều tác phẩm đặc sắc của Nhà hát Kịch Việt Nam như: "Kiều" (tác giả chuyển thể nhà văn Nguyễn Hiếu, cố đạo diễn NSND Anh Tú), "Bệnh sĩ" (cố tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn NSND Tuấn Hải), "Bão tố Trường Sơn" (cố tác giả Trương Minh Phương, cố đạo diễn NSND Anh Tú), "Người yêu Hoa hậu" (tác giả NSND Doãn Hoàng Giang, đạo diễn Tùng Linh)…
Đây là những vở diễn được Nhà hát dàn dựng trong gần 10 năm trở lại đây và có nhiều vở giành giải cao tại các kỳ liên hoan sân khấu trong nước và quốc tế như "Điều còn lại", "Người tốt nhà số 5", "Đêm trắng", "Người trong cõi nhớ"... Một loạt những vở diễn tiêu biểu với đề tài đa dạng và dàn nghệ sĩ tên tuổi, sáng giá được công diễn liên tiếp đã cho thấy bản lĩnh của một nhà hát tầm cỡ quốc gia, qua đó khẳng định sự chuyển mình đầy đột phá trong giai đoạn mới với sứ mệnh mang nghệ thuật đến gần hơn với khán giả.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm