NSND Trần Tiến đã có những đóng góp to lớn với nền kịch nghệ nước nhà. Ảnh VOV
Ngày 23/1, xác nhận với PV Báo Dân trí, NSND Lê Khanh cho biết, bố ruột của chị là NSND Trần Tiến đã qua đời tại nhà riêng, hưởng thọ 86 tuổi. Theo VOV thông tin từ gia đình NSND Trần Tiến được biết, ông qua đời do tuổi cao sức yếu vào chiều ngày 22/1 (mùng 1 Tết).
Nghệ sỹ nhân dân Trần Tiến sinh năm 1937 tại Hà Nội. Ông bắt đầu hoạt động nghệ thuật từ năm 1954, khởi đầu với chèo qua một số vai hề ấn tượng. Hai NSND Thế Lữ và NSND Đào Mộng Long đã phát hiện tài năng của ông nên khuyến khích ông đến với kịch nói và sau này là điện ảnh.
Năm 1961, NSND Trần Tiến học khóa diễn viên Trường Nghệ thuật Sân khấu. Ông đầu quân cho Nhà hát kịch Trung ương đến năm 2012 thì nghỉ hưu. Năm 1997, ông được Nhà nước tặng Huân chương Lao đông hạng Nhất vì những đóng góp to lớn và lao động không ngừng nghỉ cho nghệ thuật. Trong sự nghiệp nghệ thuật, ông được biết đến với những vai diễn như: Đại Cát trong vở "Quẫn", Đế Thích trong "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", Hoài Nghi trong "Chuông đồng hồ điện Kremli", "cố vấn ái tình" trong "Kén rể"...
NSND Trần Tiến và các con gái là NSƯT Lê Vân, NSND Lê Khanh và NSƯT Lê Vi. Ảnh: Báo Dân Trí.
NSND Trần Tiến thành hôn với NSƯT Lê Mai. Hai nghệ sĩ quen biết và đến với nhau khi cả hai cùng làm việc tại Đoàn kịch Trung ương. Cặp đôi có với nhau ba người con gái là các nghệ sĩ nổi tiếng, gồm nghệ sĩ Lê Vân, NSND Lê Khanh và NSƯT Lê Vi. NSND Lê Khanh từng chia sẻ, bố mẹ chị - NSND Trần Tiến và NSƯT Lê Mai - không hạnh phúc khi ở bên nhau. Chính vì thế, chị luôn mong cả cha lẫn mẹ dũng cảm chọn hạnh phúc và có được niềm vui cho riêng mình".
Những năm tháng tuổi già, NSND Trần Tiến sống với một người phụ nữ tên Hạnh, bà rất được Lê Khanh kính phục. NSND Lê Khanh từng bày tỏ sự biết ơn đối với người bạn đời của bố mình trên truyền hình: "Tôi trân trọng và xúc động vô cùng với người bạn gái ấy của bố mặc dù ông không còn cường tráng, phong độ nhưng những gì đẹp của ông vẫn luôn đọng lại trong cô ấy. Nhờ có cô ấy mà những lúc tôi đi xa sẽ yên tâm hơn về bố. Cho nên những người con, người cháu phải hãnh diện vì mình có phúc thì cha mẹ mới còn có người thương khi ở tuổi xế bóng. Những điều quý giá ấy dẫu có tiền cũng không thể mua được.
Chắc chắn là cô Hạnh sẽ xem và nếu cô nghe được lời cháu nói thì chúng cháu muốn gửi lời cảm ơn đến cô. Cô đã ở bên cạnh bố cháu khi tuổi cao, sức yếu, đem đến cho bố cháu những niềm vui và hạnh phúc của tuổi già. Cô coi chúng cháu như người nhà và chúng cháu cũng coi cô như thành viên trong gia đình. Xin cảm ơn cô và chúc cho những người lớn tuổi có được tình yêu".
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm