Trả lời báo chí về đơn kêu cứu của Novaland, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng doanh nghiệp cần xem xét lại chính trách nhiệm của mình trong hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản.
"Khi thị trường tốt thì doanh nghiệp thực hiện nhiều dự án, thậm chí là không cân bằng nguồn lực với các dự án đang triển khai. Có thời điểm doanh nghiệp triển khai quá nhiều dự án mà không kiểm soát tài chính, nên xảy ra khó khăn về tài chính ở thời điểm nhất định", Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cũng là thành viên của Tổ công tác của Thủ tướng tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Ông cho rằng Tổ công tác đã nhiều lần đề nghị các doanh nghiệp rà soát và cơ cấu lại sản phẩm bất động sản. Thậm chí phải bán bỏ bớt dự án chưa triển khai, tập trung vào các dự án đang triển khai, hoàn thành dự án sớm, để bán thành công và tạo ra dòng tiền thực hiện các dự án tiếp theo.
Theo Thứ trưởng, về lâu dài khi triển khai thực hiện dự án, các doanh nghiệp phải dùng vốn vay dự án nào thực hiện dự án đó, tránh vay đự án này thực hiện dự án khác làm mất cân bằng tài chính.
Trước đó Novaland liên tục có đơn kêu cứu, xin lỗi khách hàng, thừa nhận khó khăn. Doanh nghiệp này đang cùng lúc triển khai 54 dự án, trong đó có những dự án hàng nghìn ha tại Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai... Hệ sinh thái của doanh nghiệp này cũng mở rộng nhanh sang nhiều lĩnh vực, từ F&B, FMCG đến bất động sản, bán lẻ, dịch vụ...
Tập đoàn Novaland xin tháo gỡ khó khăn pháp lý dự án và dòng tiền trả nợ đến hạn, do tình trạng ách tắc pháp lý tạo tâm lý bất an cho người dân, môi trường đầu tư, ngân hàng. Novaland cho biết đa số ngân hàng đang giữ lại tiền thu từ khách hàng của tập đoàn để làm tài sản đảm bảo bổ sung. Hiện doanh nghiệp có khoảng 32.000 tỷ đồng trong các tài khoản ngân hàng nhưng lại không có tiền thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Ngoài ra, doanh nghiệp mong một số địa phương tháo gỡ vướng mắc, giúp tập đoàn sớm hoàn thiện pháp lý dự án.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, qua tìm hiểu của Tổ công tác của Thủ tướng, các doanh nghiệp bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn về 5 nhóm vấn đề. Thứ nhất là vấn đề đất đai, giao đất, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất, tính giá đất. Thứ hai là khó khăn về điều chỉnh quy hoạch thực hiện dự án. Khi điều chỉnh quy hoạch thì điều chỉnh giá đất.
Thứ ba là khó khăn các trình tự thủ tục đầu tư. Thứ tư, khó khăn liên quan đến pháp luật về nhà ở, nhất là nhà ở xã hội. Đặc biệt là khó khăn thứ năm, xảy ra rất nhanh, trong một thời gian ngắn như vốn, tín dụng, trái phiếu, khó khăn. Cùng một thời điểm, các doanh nghiệp đáo hạn, đến hạn phải trả trái phiếu doanh nghiệp. Ông cũng cho biết hiện tại nhiều doanh nghiệp nhà thầu xây dựng cho công nhân nghỉ việc.
Thời gian qua, Tổ công tác tập trung giải quyết, hướng dẫn các thủ tục hành chính. Đồng thời, Tổ công tác cũng làm việc ngân hàng, đề nghị nới room tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã nới room tín dụng, tạo thuận lợi bước đầu cho các doanh nghiệp. Thủ tướng chỉ đạo sửa Nghị định 65 về trái phiếu.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm