Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa khởi tố, bắt giam 8 đối tượng trong vụ án phát hiện gần 600 chủng loại sữa bột giả tại Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood Group. Dưới vỏ bọc doanh nghiệp hợp pháp, nhóm này tổ chức sản xuất và tiêu thụ sữa bột giả trên quy mô lớn, nhắm vào đối tượng khách hàng là những người tiểu đường, suy thận, phụ nữ mang thai và trẻ sinh non.
Đây không phải là vụ án hiếm hoi về sản xuất sữa giả bị lực lượng chức năng phát hiện.
Sản xuất sữa giả các nhãn hiệu nổi tiếng, đổi địa điểm mỗi tháng 1 lần
Trước đó, đầu 2024, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP.HCM đã triệt phá một mạng lưới tổ chức sản xuất, kinh doanh sữa bột giả mang các nhãn hiệu nổi tiếng như Ensure, Glucerna do Vũ Thành Công (SN 1988, ngụ phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM) cầm đầu. Hoạt động sản xuất và phân phối sữa giả được tổ chức tinh vi tại nhiều địa điểm khác nhau trên địa bàn TP.HCM và tỉnh Bình Dương.
Lực lượng chức năng kiểm tra kho sữa giả của Vũ Thành Công.
Qua điều tra, lực lượng chức năng đồng loạt kiểm tra 4 cơ sở liên quan, thu giữ 7.525 lon sữa bột thành phẩm mang các nhãn hiệu nổi tiếng (Ensure, Glucerna, Alpha Lipid), cùng số lượng lớn vỏ lon, tem nhãn giả, máy móc thiết bị sản xuất, 2 ô tô vận chuyển hàng hóa. Tổng giá trị tang vật và phương tiện thu giữ ước tính lên đến 14,5 tỷ đồng.
Làm việc với cơ quan công an, Vũ Thành Công khai đã tổ chức sản xuất, buôn bán sữa giả từ tháng 11/2023, thu lợi bất chính khoảng 3 tỷ đồng. Công thuê 6 nhân công và phân công công việc cụ thể cho từng người với mức lương từ 15-20 triệu đồng/tháng. Để tránh bị phát hiện, Công thường xuyên thay đổi địa điểm sản xuất, trung bình mỗi tháng một lần.
Cử nhân Đại học Dược làm Tổng Giám đốc công ty sản xuất sữa giả
Cuối năm 2022, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án sản xuất và buôn bán thực phẩm giả tại Công ty Cổ phần Sữa Hà Lan, có trụ sở tại số 335 Trần Cung, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Người chịu trách nhiệm chính trong vụ án là Nguyễn Trung Vương, Tổng Giám đốc công ty, người có trình độ Đại học Dược và đã được đào tạo về an toàn thực phẩm.
Các sản phẩm sữa giả bị lực lượng chức năng thu giữ.
Mặc dù hiểu rõ hành vi sản xuất, kinh doanh sản phẩm kém chất lượng là vi phạm pháp luật và có nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, nhưng vì mục đích lợi nhuận, Nguyễn Trung Vương vẫn chỉ đạo trực tiếp các hoạt động sản xuất và phân phối. Việc điều hành được thực hiện từ xa thông qua mạng máy tính, ứng dụng Zalo và các nhóm nội bộ.
Cơ quan chức năng đã kiểm tra, thu giữ và giám định 67 mẫu sản phẩm thuộc 33 loại do 8 công ty sản xuất tại Nhà máy Holland Milk. Kết quả cho thấy 66/67 lô hàng có chất lượng chỉ đạt dưới 70% so với mức công bố, với tổng số lượng lên đến 29.400 lon/hộp, trị giá hơn 4,1 tỷ đồng theo hóa đơn xuất bán.
Đặc biệt, quá trình điều tra còn phát hiện Đỗ Minh Thu, Kế toán trưởng Công ty CP Sữa Hà Lan, đã có hành vi cắt ghép phiếu kiểm nghiệm, giả mạo hồ sơ để xin cấp giấy công bố sản phẩm.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm