Tháng 4/2025, tại Việt Nam, Bộ Công an phối hợp với nhiều đơn vị triệt phá một đường dây sản xuất, phân phối sữa bột giả quy mô cực lớn, với 573 sản phẩm giả mạo được tung ra thị trường trong suốt 4 năm, thu lợi gần 500 tỷ đồng.
Cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng". Từ tháng 8/2021 đến nay, các đối tượng đã thành lập Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất kinh doanh sữa bột.
Các sản phẩm mang danh “sữa cao cấp” dành cho trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai và người bệnh, được công bố có chứa tổ yến, DHA, đông trùng hạ thảo, nhưng qua kiểm nghiệm cho thấy không có những thành phần này, thậm chí một số chỉ tiêu dinh dưỡng chỉ đạt dưới 70%.
Đây là vụ sữa giả lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay, được đánh giá là “vô cùng nghiêm trọng, có tổ chức và có thể gây hại trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng”, khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.
Trên thế giới, tại nhiều quốc gia đã xảy ra các scandal liên quan đến sữa giả khiến nhiều trẻ em nhập viện, tử vong…
Sữa nhiễm Melamine khiến 6 trẻ tử vong, 300.000 ca bị ảnh hưởng ở Trung Quốc
Đây là vụ bê bối thực phẩm lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Melamine - một hóa chất công nghiệp - bị trộn vào sữa để gian lận hàm lượng protein. Melamine được biết đến như một chất gây hại nếu nuốt, hít và có thể hấp thụ qua da.
Melamine khi trộn vào sữa khiến kết quả kiểm tra protein “đẹp hơn” dù hàm lượng dinh dưỡng thực tế thấp. Công ty sữa Tam Lộc (Sanlu Group) – một trong những công ty sữa lớn nhất Trung Quốc lúc bấy giờ đã âm thầm sử dụng Melamine vào sữa. Hậu quả là, hơn 300.000 trẻ em bị ảnh hưởng, 6 em tử vong, hàng trăm trẻ bị sỏi thận, tổn thương vĩnh viễn, phải điều trị suốt đời.
Theo AP, trong vụ việc này, 2 người bị xử tử hình. Tian Wenhua - cựu Chủ tịch và Tổng giám đốc Công ty sữa Tam Lộc – bị kết án chung thân. Tổng cộng có 21 bị cáo liên quan đến vụ bê bối sữa nhiễm Melamine.
Nhiều công ty khác cũng bị phát hiện liên đới trong việc phân phối hoặc sản xuất sữa nhiễm độc này.
Sau vụ việc này, nhiều quan chức liên quan đến ngành Y tế bị cách chức, Trung Quốc ban hành quy định mới nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sữa.
Tiêu hủy sữa nhiểm Melamine tại nhà máy đốt rác thải đô thị Thượng Hải năm 2008. Ảnh: Xinhua
Sữa pha chất tẩy, ure và sơn trắng ở Ấn Độ
Thực phẩm, sữa giả, kém chất lượng từ lâu đã là vấn đề lớn tại Ấn Độ.
Theo Asiaone, tháng 1/2012, Cơ quan An toàn Thực phẩm và Tiêu chuẩn Ấn Độ (FSSAI) công bố kết quả cuộc khảo sát chất lượng sữa, báo cáo cho thấy: gần 70% sữa trên thị trường Ấn Độ không đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, trong đó có hàng loạt mẫu chứa chất tẩy rửa, dầu ăn công nghiệp, ure, sơn trắng và hương liệu nhân tạo.
Những mẫu sữa nhiễm độc không chỉ xuất hiện ở nông thôn, mà còn lan rộng đến các thành phố lớn như Delhi, Mumbai, Lucknow, Chennai… Chúng được đóng gói bằng bao bì tái sử dụng, dán mác thương hiệu địa phương và bán ra thị trường như sữa tươi nguyên chất.
Trong giai đoạn 2011–2018, nhiều bệnh viện nhi tại các bang miền Bắc Ấn Độ ghi nhận tình trạng ngộ độc cấp ở trẻ em sau khi uống sữa, với các triệu chứng: đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, hôn mê. Một số ca được xác định tổn thương thận và gan do tiếp xúc với hóa chất độc hại trong thời gian dài.
Đặc biệt, một số trường hợp trẻ sơ sinh tử vong được cho là liên quan đến sữa đã làm dấy lên làn sóng phản đối dữ dội từ dư luận và giới truyền thông.
Sữa giả làm từ bột giặt và dầu ăn ở Pakistan
Năm 2017, thông tin về vụ việc sản xuất sữa giả tại tỉnh Punjab, Pakistan được ghi nhận trong các báo cáo của Cơ quan An toàn Thực phẩm Punjab (PFA) và các phương tiện truyền thông địa phương. Cụ thể, vào tháng 12/2017, PFA đã tiến hành kiểm tra đột xuất và phát hiện một đường dây sản xuất sữa giả quy mô lớn tại khu vực Guru Mangat, gần Gajjumata, Lahore. Trong cuộc đột kích này, cơ quan chức năng đã thu giữ khoảng 10.000 lít sữa bị pha trộn với các chất độc hại như bột giặt, dầu ăn công nghiệp, bột whey và hóa chất khác. Ba nghi phạm đã bị bắt giữ tại chỗ và toàn bộ số sữa giả cùng thiết bị sản xuất đã bị tiêu hủy ngay lập tức.
Cũng trong tháng 12/2017, PFA cũng đã tiêu hủy hơn 2.000 lít sữa bị pha trộn với nước và hóa chất sau khi kiểm tra tại các điểm giao thông chính ở Lahore.
Chính quyền địa phương đã đóng cửa hàng loạt cơ sở sản xuất trái phép, bắt giữ nhiều đối tượng có liên quan. Tuy nhiên, báo chí Pakistan chỉ ra rằng việc giám sát chất lượng sữa vẫn còn lỏng lẻo, đặc biệt tại các vùng nông thôn, nơi người dân ít có khả năng nhận biết sữa giả và thường mua theo thói quen.
Theo chuyên gia, sữa giả đặc biệt nguy hiểm với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai hoặc những người có bệnh nền – vì hệ miễn dịch của họ thường yếu. Khi sử dụng sữa giả, sẽ có một số tác hại tiềm ẩn như thiếu dưỡng chất thiết yếu, nguy cơ nhiễm độc từ hóa chất độc hại, nhiễm vi sinh vật gây bệnh…
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm