Các cô giáo ở giai đoạn đầu cần hết sức tâm lý, dỗ trẻ, yêu trẻ, nhẹ nhàng và tạo điều kiện để trẻ hoạt động, vui chơi.
Theo nguồn báo Lao Động, thừa nhận việc trẻ mầm non nghỉ học trong thời gian dài kéo theo nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội (như hàng loạt trường mầm non tư thục giải thể, phải rao bán trường, giáo viên thất nghiệp, phụ huynh phải nghỉ làm trông con, trẻ bị ảnh hưởng tâm sinh lí),… PGS-TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, hiện nay, tại những khu vực cấp độ dịch 1, 2 hoàn toàn có thể cân nhắc cho học sinh mầm non đi học trở lại.
Theo ông Phu, trẻ mầm non cũng có khả năng lây nhiễm Covid-19 nhưng những triệu chứng thường nhẹ hơn so với người lớn. Nguy cơ lây nhiễm cho đối tượng này chủ yếu xuất phát từ yếu tố gia đình, bố mẹ ra ngoài tiếp xúc với các mầm bệnh, trở về nhà, tiếp xúc và lây nhiễm sang con.
Bên cạnh đó, ở độ tuổi mầm non, trẻ chưa tự ý thức được việc phòng, chống dịch bệnh nên điều quan trọng nhất để đảm bảo an toàn khi đưa trẻ đến trường là sự phối hợp chặt chẽ từ gia đình, nhà trường và các cơ sở y tế.
Trẻ nghỉ dịch kéo dài gặp những khó khăn gì?
Là một nhà giáo hơn 40 năm gắn bó với ngành giáo dục mầm non, bà Ngô Thị Lan Phương – Hiệu trưởng một trường mầm non tại Hà Nội chia sẻ, trẻ nghỉ dịch ở nhà kéo dài sẽ khiến cho nhiều thói quen của trẻ bị thay đổi và ảnh hưởng đến cuộc sống.
Cụ thể, theo bà Phương, trẻ nghỉ lâu quá sẽ có thể quên hết nề nếp của trường; tâm lý sẽ không thích đi học mà chỉ thích ở nhà tự do chơi, tự do xem các thiết bị điện tử; Kiến thức học tập và kỹ năng sống của trẻ đã được các cô dạy, thực hành ở trường sẽ bị lãng quên, do các bậc phụ huynh hàng ngày bận làm việc, không có nhiều thời gian dành cho con; Thứ 4, khi trẻ ở nhà nghỉ dịch thời gian dài cho đến khi tới trường học lại, trẻ sẽ bị lạ cô, lạ trường, và dẫn đến khóc nhiều, nhất là các bé ở tuổi 2,3,4.
Nhà trường và phụ huynh kết hợp chuẩn bị tâm lý cho trẻ đi học trở lại
Theo chuyên gia giáo dục mầm non Ngô Thị Lan Phương, rất nhiều phụ huynh với tâm lý vô cùng lo lắng khi cho các con đi học trở lại. Bên cạnh việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại trường học thì vấn đề chuẩn bị tâm lý cho các con cũng được phụ huynh rất quan tâm.
“Với những kinh nghiệm đã trải qua trong nghề 40 năm, tôi nghĩ nhà trường phải kết hợp chặt chẽ với phụ huynh để chuẩn bị cho trẻ tâm lý thoải mái, gần gũi để trẻ quen dần với môi trường học tập tại trường học.”, bà Phương cho hay.
Bà Ngô Thị Lan Phương tham gia và tạo trò chơi bổ ích giúp học sinh vui vẻ mỗi ngày.
Với nhà trường, Ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm giai đoạn đầu cần hết sức tâm lý, dỗ trẻ, yêu trẻ, nhẹ nhàng và tạo điều kiện để trẻ hoạt động, vui chơi là chủ yếu. Tổ chức giờ học vui, bổ ích, chăm sóc trẻ ăn, ngủ đi vào nề nếp dần dần. Nhà trường cũng tổ chức tốt kế hoạch hoạt động 1 ngày linh hoạt có hiệu qủa.
Bên cạnh đó, nhà trường phải đảm bảo phòng, chống dịch theo quy định; Thêm nữa là trang trí, bổ sung cơ sở vật chất, trường lớp sạch đẹp để thu hút cảm quan của trẻ. Ngoài ra, Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên trao đổi với phụ huynh, nắm bắt tâm lý từng bé, chú ý những cháu nhỏ, cháu hay khóc và nhút nhát. Đồng thời, tích cực động viên, khen ngợi kịp thời giúp trẻ nhanh chóng hòa đồng với tập thể.
Còn về phía phụ huynh, chuyên gia giáo dục mầm non Ngô Thị Lan Phương cho biết, các bậc phụ huynh phải cố gắng: Động viên trẻ trước khi đến trường, phải giải thích, nói chuyện và nắm bắt tâm lý bé. Nếu có thể thì thường xuyên khen và có khen thưởng với bé.
Thế nhưng trước đó, phụ huynh đặc biệt lưu ý sức khỏe cho bé, đảm bảo về dinh dưỡng, luyện tập thể lực nhẹ nhàng ở nhà để bé có sức khỏe tốt khi đi học. Thực hiện nghiêm túc 5K ngay cả khi ở nhà và đến trường cho bé. Đồng thời, các phụ huynh cần kết hợp chặt chẽ với cô giáo và nhà trường để giáo dục, chăm sóc trẻ được tốt hơn.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm