Ngày 5/5, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức họp báo tại TP.HCM để thông tin về kế hoạch Lễ hội nho và vang Ninh Thuận năm 2023 và đón nhận Bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”.
Trưởng ban tổ chức Lễ hội nho và vang Ninh Thuận 2023, ông Nguyễn Long Biên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, sẽ có hội thi đầu bếp lần đầu tiên tổ chức tại Ninh Thuận. Bên cạnh đó là nhiều chương trình nghệ thuật dân gian hấp dẫn, độc đáo, nền văn hóa đa sắc màu của đồng bào dân tộc Chăm, Raglai… sẽ được trình diễn tại Lễ hội nho và vang Ninh Thuận 2023.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, ông Trần Quốc Nam chia sẻ tại buổi họp báo, Ninh Thuận là vung đất duy nhất ở đất nước Việt Nam này trồng được nho. Chính đặc điểm đó tạo cho vùng đất Ninh Thuận có một cây nho là đặc sản, đem lại thu nhập giàu có, khá giả cho người dân Ninh Thuận. Tuy có những giai đoạn thăng trầm, nhưng hiện nay cây nho đang làm giàu cho người dân Ninh Thuận.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chia sẻ: Tuy có những giai đoạn thăng trầm, nhưng hiện nay cây nho đang làm giàu cho người dân Ninh Thuận.
Cũng theo chia sẻ của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, vừa qua Ninh Thuận đã tạo ra hàng loạt giống nho mới cung cấp, đáp ứng được nhu cầu thị trường gồm 2 loại nho ăn tươi và nho sản xuất rượu vang. Hiện tỉnh Ninh Thuận đang hướng đến phải xuất khẩu nho trong thời gian tới. Lãnh đạo tỉnh đã giao cho ngành nông nghiệp và các địa phương trong nhiệm kỳ này đến năm 2025 là phải xuất khẩu được nho đi nước ngoài.
Nhân dịp này, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng gửi “thông điệp”, tạo mọi điều kiện để thuận lợi cho các nhà đầu tư đến Ninh Thuận đầu tư trong mọi lĩnh vực, nhất là nông nghiệp công nghệ cao và du lịch…
Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, Ninh Thuận là vùng đất duyên hải quanh năm nắng gió nên cũng là điều kiện tạo ra những loại trái cây ngon, các loại nông sản sạch thuộc và tầm lớn nhất nước: Nho, nha đam, măng tây, tỏi, táo...
Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận năm 2023 và Lễ đón nhận Bằng công nhận của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp" sẽ diễn ra từ ngày 13-18/6.
Trong thời gian tổ chức Lễ hội sẽ diễn ra chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch sổi nổi, đặc sắc, mới lạ, mang thế mạnh đặc trưng, khác biệt của tỉnh với 12 hoạt động cấp tỉnh gồm: Hội chợ Công Thương Khu vực Nam Trung Bộ - Ninh Thuận 2023; Lễ hội Ẩm thực "Hương vị ẩm thực Ninh Thuận"; Chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố; Hội thảo phát triển giá trị cây nho và sản phẩm từ nho; Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm"; Hoạt động tham quan trải nghiệm vườn nho, làng gốm Bàu Trúc và hành trình khám phá Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa; Thi giàn nho đẹp; Giải đua xe đạp đường trường Ninh Thuận - Bình Thuận; Giải đua xe ôtô - môtô địa hình trên cát Ninh Thuận - Bình Thuận mở rộng; Hội thi nét đẹp văn hóa các dân tộc Ninh Thuận lần thứ II/2023.
Ngoài ra, tại các huyện, thành phố trong tỉnh cũng diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc, hấp dẫn như: Giải Việt dã truyền thống thành phố Phan Rang - Tháp Chàm; Lễ hội trái cây Ninh Sơn; Ngày hội Văn hóa Raglai; các hoạt động quảng bá, tham quan trải nghiệm vườn nho Thái An; các hoạt động quảng bá, giới thiệu về làng nghề, sản phẩm các làng nghề làm gốm Chăm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp; các hoạt động đua xe trên cát, trượt cát; khám phá cảnh quan dọc tuyến đường ven biển tỉnh Ninh Thuận...
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm