Biến chủng Omicron lần đầu tiên được Nam Phi báo cáo với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào ngày 24/11/2021. Thời điểm đó biến thể Delta vẫn là biến thể có mức độ lây lan nguy hiểm nhất. Sau đó không lâu, mức độ lây lan của biến thể Omicron đã tăng mạnh mẽ, trở thành biến thể có mức độ lây lan nhanh nhất. Cho đến nay, biến thể Omicron đã được phát hiện và ghi nhận ở hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam, ngành dịch tễ đã ghi nhận Omicron xuất hiện đầu tiên ở TP HCM và Hà Nội, sau đó lây lan nhanh ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Với mức độ lây lan nhanh, Omicron đã dần dần thay thế biến thể Delta.
Theo báo cáo của TP Hà Nội, biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện; trong đó biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện mắc Covid-19 chủng Omicron. Tại TP HCM, biến thể Omicron chiếm tới 76% số mẫu có kết quả giải trình tự gene.
Các chuyên gia dịch tễ cho rằng với việc lưu hành cùng lúc 2 biến thể của SAS-CoV-2 thì một người có thể tái mắc Covid-19 trong một thời gian ngắn. Trên thực tế đã có nhiều trường hợp tái nhiễm bệnh trong 1 đến 3 tháng khỏi bệnh.
Mới đây nhất, VietNamplus dẫn nguồn một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí medRxiv cho biết bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 vẫn có thể lây lan bệnh cho những người đã nhiễm các biến thể trước đó và thời gian trung bình lây lan ít nhất là 6 ngày.
Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu máu của 56 bệnh nhân mới mắc Covid-19, trong đó có 37 người nhiễm biến thể Delta và 19 người nhiễm Omicron. Tất cả các tình nguyện viên đều có các triệu chứng nhẹ giống như cúm và không ai phải nhập viện.
Tiến sỹ Amy Barczak ở Bệnh viện đa khoa Massachusetts tại Boston, đồng tác giả của công trình nghiên cứu trên, cho biết: "Trung bình, những người tham gia nghiên cứu không còn virus sau khoảng 6 ngày kể từ khi có xét nghiệm dương tính, tuy nhiên 25% các trường hợp vẫn tiếp tục lây lan virus trong hơn 8 ngày."
Theo ông Barczak, dù không biết chính xác cần một lượng virus bao nhiêu để truyền bệnh cho người khác, nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy những người bị nhiễm Covid-19 nhẹ có thể lây bệnh cho người khác trong vòng trung bình trong 6 ngày, "đôi khi có trường hợp lâu hơn."
Hiện nay, nhiều nước đã giảm số ngày cách ly của bệnh nhân Covid-19. Một số nơi không yêu cầu đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Vào cuối tháng 12/2021, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến nghị người nhiễm Covid-19 nên cách ly trong 5 ngày, miễn là bệnh tiến triển hoặc không có triệu chứng. Sau đó, họ cần đeo khẩu trang và tiếp tục theo dõi thêm 5 ngày.
Theo CDC Mỹ, thời gian ủ bệnh trung bình của các ca nhiễm Omicron khoảng 3 ngày. Thậm chí, một số triệu chứng xuất hiện chỉ 33 giờ sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Thời gian ủ bệnh của Omicron rõ ràng ngắn hơn so với chủng gốc (từ 5 ngày trở lên) và biến thể Delta (4 ngày).
CDC Mỹ giải thích, nghiên cứu phát hiện hầu hết mọi người lây lan SARS-CoV-2 trong 1-2 ngày trước khi bộc lộ các triệu chứng và 2-3 ngày sau đó.
VietNamnet dẫn nguồn trên Reuters cho biết Giáo sư William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Đại học Vanderbilt, cho rằng: “Bất kể thời gian bạn lây nhiễm Omicron bao lâu, biến thể này dễ lây lan hơn nhiều so với các biến thể trước đó”. Lý do là người bệnh thải ra nhiều virus hơn.
Cũng theo một số nghiên cứu, biến thể Omicron thường ít gây bệnh nghiêm trọng hơn so với nhiễm các biến thể trước đó tuy nhiên mức độ lây lan nhanh, cao hơn chủng Delta gấp 500 lần. Chủng Omicron xuất hiện trong bối cảnh “bình thường mới” được thiết lập, người dân cơ bản được tiêm vắc xin Covid-19 đầy đủ, mặc dù vậy những bệnh nhân có tiền sử bệnh nền, các bệnh tự miễn, người suy giảm miễn dịch… vẫn có nguy cơ trở nặng phải điều trị tích cực, thậm chí tử vong. Nếu may mắn khỏi bệnh, những đối tượng nguy cơ vẫn phải chịu những di chứng hậu Covid-19 nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm