Điều trị sỏi thận bằng phương pháp tán sỏi thận qua da tại Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn. Ảnh: Sở Y tế Phú Thọ. Ảnh VTV.
Ngày 19/4, theo Tạp chí Tri thức trực tuyến thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn, Phú Thọ được biết, các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp - Chuyên khoa, vừa phẫu thuật bỏ thận trái mất chức năng cho người bệnh L.T.N. (40 tuổi, trú tại huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La).
Theo đó, Ông N. nhập viện trong tình trạng sốt, đau thắt lưng âm ỉ, liên tục, đau ra đằng trước kèm theo buồn nôn. Kết quả siêu âm, xét nghiệm, hình ảnh CT-Scanner cho thấy người bệnh có sỏi ở đài thận trái.
Đáng chú ý, ông N. biết mình mắc sỏi thận nhưng chủ quan dùng thuốc nam để điều trị dẫn tới thận trái giãn rất mỏng, mất chức năng hoàn toàn và phải cắt bỏ.
Sỏi tiết niệu là những khối rắn xuất hiện trên đường bài xuất nước tiểu. Đa số những viên sỏi này được hình thành tại thận. Sau đó, chúng di chuyển theo dòng chảy nước tiểu đến các vị trí khác trên đường tiết niệu như: Niệu quản, bàng quang, niệu đạo. Trong đó, sỏi thận chiếm tỷ lệ lớn nhất tới 40%.
Trao đổi với PV VTV về trường hợp này, BSCKI Hà Quang Thành, Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp - Chuyên khoa, cho biết, việc sử dụng các loại thuốc truyền miệng chưa được kiểm chứng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ với sức khỏe, có thể làm mất các triệu chứng của bệnh tiết niệu, làm người bệnh nhầm tưởng đã khỏi bệnh.
Thực tế, bệnh vẫn tồn tại, làm thận ngày càng bị ảnh hưởng, suy giảm chức năng. Lâu dần, người bệnh sẽ có những dấu hiệu suy thận hoặc biến chứng của sỏi tiết niệu thì mới đến viện khám. Khi đó, bệnh đã quá nặng, gây rất nhiều khó khăn cho quá trình điều trị về sau.
Ở giai đoạn sớm, sỏi thận thường không gây khó chịu cho người bệnh hoặc một số trường hợp có triệu chứng đau lưng, sốt, tiểu lắt nhắt. Nhưng nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh sẽ gây ra tình trạng ứ nước, ứ mủ thận gây giãn đài bể thận, suy thận.
Bác sĩ khuyến cáo, khi người bệnh bị sỏi thận, việc đầu tiên cần làm là đi khám để biết sỏi ở mức độ nào, kích thước bao nhiêu và có gây nên biến chứng hay không. Trường hợp sỏi nhỏ, bác sĩ chỉ định dùng các loại thuốc phù hợp làm giãn cơ niệu quản, đẩy sỏi ra.
Nếu sỏi không tự đào thải ra ngoài bằng đường tiểu, các bác sĩ có thể chỉ định can thiệp ngoại khoa bằng cách tán sỏi. Người bệnh sỏi thận nếu muốn điều trị bằng thuốc y học cổ truyền cần có sự tư vấn của bác sĩ.
Việc sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc, kèm theo bảo quản, sao tẩm thuốc có thể chứa nhiều hóa chất độc hại, khiến tình trạng suy thận thêm nặng nề.
Để phòng bệnh sỏi thận, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện sỏi thận, từ đó có các biện pháp can thiệp kịp thời, tránh ảnh hưởng tới chức năng thận.
Để bảo vệ thận, mọi người cần lưu ý tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày. Về chế độ ăn uống, bạn cần lựa chọn thực phẩm lành mạnh, đủ chất, tăng cường nhiều rau xanh, hoa quả tươi và giảm muối. Đặc biệt, người dân lưu ý uống đủ nước để giúp cho thận hoạt động tốt.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm