I. Nghẹt mũi đau đầu là biểu hiện của bệnh lý gì?
1. Viêm xoang mũi
Nghẹt mũi đau đầu là biểu hiện rất thường gặp khi bị viêm xoang. Đây là tình trạng viêm nhiễm lớp niêm mạc ở các hốc xoang cạnh mũi, nguyên nhân có thể do vi khuẩn, vi rút, nấm hoặc các tác nhân gây dị ứng. Viêm khiến xoang bị sưng từ đó chất nhầy và vi khuẩn bị mắc lại gây nghẹt mũi.
Các triệu chứng gặp phải khác khi bị viêm xoang bao gồm:
- Nặng mặt, nặng quanh mắt, hoặc mũi
- Mệt mỏi
- Ho
- Đau răng
- Chảy nước mũi, dịch mũi có thể trong hoặc chảy mủ vàng, mủ xanh
- Cảm giác đầy trong tai
- Nặng đầu, đau đầu
- Có thể có sốt, ớn lạnh nhưng ít gặp hơn
Cách điều trị:
Nếu bị viêm xoang phải đến đến gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời, triệt để nếu không khả năng chuyển sang viêm xoang mạn tính rất cao gây nghẹt mũi đau đầu dai dẳng.
Trường hợp cấp tính các bác sĩ thường điều trị bằng các thuốc như: Kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc co mạch, chống dị ứng. Trường hợp nặng, không đáp ứng với thuốc bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật.
Viêm xoang mạn tính là tình trạng bệnh kéo dài trên 3 tháng, tái đi tái lại nhiều lần. Mỗi lần tái phát, các triệu chứng có thể nặng thêm cùng với các yếu tố nguy cơ luôn xuất hiện trong môi trường khiến bệnh khó kiểm soát. Khi đã bị viêm xoang mạn tính rất khó để có thể khỏi hoàn toàn, lúc này hướng điều trị tốt nhất là giảm nhẹ triệu chứng và hạn chế tối đa tái phát bằng cách thay đổi từ từ cơ địa của người bệnh. Vì cơ địa nguyên nhân chủ yếu gây viêm xoang, những người có cơ địa nhạy cảm rất dễ bị kích ứng với các tác nhân bên ngoài như khói bụi, hóa chất làm bùng phát viêm xoang.
2. Cảm cúm
Nghẹt mũi cũng là một triệu chứng điển hình của bệnh cảm cúm. Đây là bệnh gây ra bởi virus cúm mùa, chúng có thể lây lan và xâm nhập vào cơ thể dễ dàng thông qua việc tiếp tiếp xúc với người bệnh như nói chuyện hay tiếp xúc với dịch tiết ra khi ho, hắt hơi của họ. Virus này cũng có thể bám vào các vật dụng hàng ngày nếu vô tình chạm phải và đưa tay lên mặt cũng có nguy cơ nhiễm bệnh.
Các triệu chứng của cảm cúm gồm có: Ho, sốt, đau họng, mệt mỏi, đau cơ, nghẹt mũi đau đầu.
Đối với trẻ em, người cao tuổi hoặc những người có bệnh lý mạn tính, sức đề kháng kém các triệu chứng có thể tồi tệ hơn:
- Nôn, tiêu chảy triệu chứng này có thể gặp ở bất kỳ ai bị cảm cúm, tuy nhiên ở trẻ em thường gặp hơn.
- Sốt cao có thể gây co giật.
- Đau cơ, mệt mỏi nghiêm trọng.
- Lú lẫn, mơ hồ, chóng mặt.
- Khó thở, đau ngực.
Cách điều trị:
Thông thường cảm cúm không phải bệnh lý nghiêm trọng. Người bệnh có thể ra hiệu thuốc mua những thuốc không cần kê đơn để trị cảm cúm như thuốc giảm ho, hạ sốt, long đờm, thuốc giảm tình trạng nghẹt mũi, sổ mũi, vitamin, điện giải. Kết hợp cùng chế độ nghỉ ngơi hợp lý bệnh sẽ giảm dần trong vòng 1-2 tuần.
Tuy nhiên, với những đối tượng đặc biệt ở trên hoặc những người có những triệu chứng nghiêm trọng, nên đến cơ sở y tế để được chăm sóc kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra. Đặc biệt, trẻ nhỏ và người cao tuổi khi bị cảm cúm nếu không được chữa trị kịp thời rất dễ dẫn tới viêm phổi, viêm phế quản, nhiễm trùng tai.
3. Cảm lạnh
Cảm lạnh là căn bệnh thường gặp khi trời mưa, lạnh hoặc đột ngột thay đổi thời tiết do virus đường hô hấp gây ra. Bệnh thường không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ hệ miễn dịch vẫn còn kém vẫn có thể gặp biến chứng gây viêm phổi, viêm phế quản.
Ngoài đau đầu, nghẹt mũi khi bị cảm lạnh còn có thể xuất hiện một số triệu chứng khác như: Ho, hắt hơi, chảy nước mũi, đau họng, đau nhức người, đau ngực nhẹ, mệt mỏi, sốt nhẹ.
Cách điều trị:
Cảm lạnh điều trị khá đơn giản, có trường hợp các triệu chứng có thể tự hết sau 1 tuần, một số thuốc thường dùng để trị cảm lạnh: Thuốc hạ sốt, thuốc ho, xịt họng, thông mũi.
Ngoài ra, kết hợp với 1 số biện pháp đơn giản khác như: Uống nước ấm, trà gừng, mật ong, vệ sinh miệng, họng sạch sẽ, chú ý giữ ấm cho cơ thể sẽ giúp bạn nhanh chóng khỏi bệnh.
Đối với những trường hợp các triệu chứng kéo dài trên 10 ngày nên đến bệnh viện kiểm tra vì rất có thể bạn đã bị viêm xoang mũi.
4. Dị ứng
Dị ứng cũng có thể gây nghẹt mũi đau đầu, các triệu chứng khác có thể đi kèm gồm có: Ngứa, chảy nước mắt, nước mũi, đau quanh má và mũi.
Cách điều trị:
- Nên tránh tiếp xúc với các tác nhân có thể gây dị ứng: Bụi bẩn, phấn hoa, lông chó mèo, thuốc, thực phẩm, côn trùng.
- Có thể dùng các thuốc không kê đơn để điều trị triệu chứng như thuốc kháng histamin, thuốc thông mũi.
- Trường hợp dùng thuốc không hiệu quả nên đến gặp bác sĩ.
5. Virus hợp bào hô hấp (RSV)
Là virus có thể gây ra các nhiễm trùng tại đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi. Các triệu chứng thường gặp: Đau đầu âm ỉ, hoặc đau nhẹ, nghẹt mũi, ho, sốt, mệt mỏi, đau họng, khó thở, thở khò khè.
Bệnh này có thể hoàn toàn tự điều trị tại nhà và khỏi sau 1-2 tuần. Có thể dùng các thuốc trị cảm lạnh để làm giảm các triệu chứng. Đối với trẻ em dưới 1 tuổi hoặc những người có hệ miễn dịch kém nên đi khám nếu các triệu chứng trên nghiêm trọng hơn.
6. Đau nửa đầu
Đau nửa đầu là tình trạng đau 1 bên đầu, các cơn đau có thể dữ dội hoặc âm ỉ kéo dài trong nhiều giờ. Đau nửa đầu có thể gây ra các triệu chứng như nghẹt mũi, buồn nôn, nôn, nhạy cảm với ánh sáng, thay đổi thị lực.
Có nhiều cách khác nhau để điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng người bệnh, thường là điều trị triệu chứng bằng cách giảm đau.
7. Polyp mũi
Là tình trạng xuất hiện những khối u lành tính trong mũi. Polyp mũi có thể không có triệu chứng nào, cũng có trường hợp có những triệu chứng như chảy nước mũi, nghẹt mũi đau đầu, nặng mặt, giảm khứu giác.
Để điều trị các bác sĩ thường dùng thuốc để làm giảm kích thường khối u. Có thể tiến hành phẫu thuật cắt bỏ nếu dùng thuốc không hiệu quả.
8. Viêm tai
Nguyên nhân có thể do vi khuẩn hoặc virus. Ngoài đau đầu, nghẹt mũi các triệu chứng dưới đây cũng thường gặp ở bệnh nhân bị viêm tai:
- Chảy dịch từ trong tai ra
- Giảm thính lực
- Sốt
- Khó ngủ
- Cơ thể mất thăng bằng
Một số biện pháp được áp dùng để điều trị tại nhà: Nghỉ ngơi, chườm ấm, dùng các thuốc giảm nghẹt mũi, giảm đau, thuốc nhỏ tai không cần kê đơn.
Nếu điều trị tại nhà không hiệu quả nên đi khám bác sĩ để được kê kháng sinh điều trị. Không nên tự ý dùng kháng sinh khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.
9. Một số nguyên nhân khác gây nghẹt mũi đau đầu
Ngoài những nguyên nhân kể trên, khi gặp những trường hợp sau cũng có thể gây đau đầu, nghẹt mũi:
Mang thai:
Quá trình mang thai cơ thể người phụ nữ thay đổi rất nhiều, đặc biệt là hormon.
Viêm mũi thường rất hay gặp khi mang thai với các triệu chứng: đau đầu, nghẹt mũi, hắt hơi, sổ mũi.
Việc dùng thuốc trong quá trình mang thai là rất nhạy cảm, nếu có bất kỳ triệu chứng nào khác thường, bạn nên đến gặp bác sĩ để có lời khuyên tốt nhất.
Bạn cũng có thể tham khảo một số phương pháp không dùng thuốc để hạn chế tình trạng đau đầu, nghẹt mũi trong khi mang thai như: Tập yoga, mát xa cổ, vai gáy, chú ý ăn uống và nghỉ ngơi, nếu nguyên nhân nghẹt mũi đau đầu do xoang có thể dùng khăn ấm đắp lên vùng mắt và mũi.
Sốt xuất huyết:
Là một căn bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus dague. Sốt xuất huyết có thể lây sang người lành nếu bị muỗi vằn mang mầm bệnh đốt.
Các triệu chứng điển hình bao gồm ho, sốt, sổ mũi, nghẹt mũi, đau đầu, đau cơ, đau hốc mắt, sốt. Đặc biệt, trong 3-4 ngày đầu sốt cao liên tục, sang ngày thứ 4 bắt đầu xuất huyết với các biểu hiện: Có chấm đỏ xuất hiện dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.
Sốt xuất huyết là căn bệnh nguy hiểm, nếu phát hiện nhiễm bệnh hãy tới bệnh viện khám và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, việc tự ý dùng thuốc hoặc tự điều trị tại nhà có thể làm bệnh nặng thêm gây khó khăn cho việc điều trị.
Nhiễm covid:
Đau đầu nghẹt mũi cũng có thể là biểu hiện của nhiễm covid với các triệu chứng khác như ho, sốt, khó thở… đa số các trường hợp nhiễm covid đều ở mức nhẹ và trung bình có thể tự điều trị và theo dõi tại nhà.
Các trường hợp nặng có biểu hiện khó thở, thở nhanh, nồng độ oxy trong máu thấp, có dấu hiệu bệnh phổi nặng phải được điều trị tại các cơ sở y tế.
II. Khi nào nghẹt mũi đau đầu cần đi khám bác sĩ
Các trường hợp cảm lạnh, cảm cúm, đau nửa đầu không nhất thiết lúc nào bị cũng cần đến gặp bác sĩ. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng trở nặng hoặc trường hợp đau đầu, nghẹt mũi không tìm ra được nguyên nhân hãy đến gặp bác sĩ để có hướng giải quyết tốt nhất.
Trên đây là những nguyên nhân và cách điều trị cho chứng nghẹt mũi, đau đầu. Hy vọng những thông tin này sẽ phần nào giúp bạn có cái nhìn rõ nhất về triệu chứng khó chịu này từ đó có thể chủ động xác định nguyên nhân và có hướng điều trị tốt nhất.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm