Số liệu bài viết được tác giả tổng hợp từ Báo cáo tài chính tính đến 31/12/2021 của các NHTM Việt Nam. Những ngân hàng chưa có số liệu tính đến 31/12/2021 hoặc số liệu về mạng lưới hoạt động không đầy đủ được loại trừ (ngoại trừ Agribank số liệu tính đến 30/06/2021; DongA Bank số liệu tính đến 31/12/2013). Các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank tạm gọi là nhóm "NHTM Nhà nước". Các ngân hàng còn lại tạm gọi là nhóm "NHTM Tư nhân".
Theo báo cáo tài chính vừa được công bố, Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (Agribank) có số chi nhánh nhiều nhất với 939 chi nhánh (171 chi nhánh loại I, 768 chi nhánh loại II). Tiếp sau là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với 189 chi nhánh. Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) đứng thứ ba với 155 chi nhánh. Vị trí thứ tư tiếp sau thuộc về Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với số lượng 121 chi nhánh.
Agribank "chiếm sóng" với số lượng nhiều chi nhánh, phòng giao dịch nhất.
Đối với nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, vị trí dẫn đầu thuộc về Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với 109 chi nhánh, Ngân hàng Quân đội (MB) với 99 chi nhánh, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) có 76 chi nhánh, Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank) có 72 chi nhánh), tiếp đến là Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VPBank) với số lượng 66 chi nhánh và Ngân hàng Hàng Hải (MSB) với 62 chi nhánh.
Bên cạnh việc “chiếm sóng” mạng lưới chi nhánh phủ rộng toàn quốc, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục dẫn đầu về mạng lưới phòng giao dịch (PGD).
Theo đó, Agribank đứng đầu với 1.286 PGD, BIDV có 895 PGD, LienVietPostBank (480 PGD), Vietcombank có 472 PGD, Sacombank có 443 PGD.
Về mạng lưới điểm giao dịch, Agribank hiện có 2.225 điểm, LienVietPostBank có 556 điểm, Sacombank có 552 điểm, ACB có 371 điểm, HDBank có 326 điểm.
Mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại Việt Nam được quy định tại Thông tư số 21/2013/TT-NHNN và các Thông tư sửa đổi, bổ sung có liên quan (Thông tư 21). Theo đó, để được thành lập chi nhánh, phòng giao dịch thì NHTM cần đáp ứng đầy đủ những tiêu chí định tính và định lượng trong Thông tư.
Số lượng chi nhánh của một NHTM được thành lập phải đảm bảo quy định: 300 tỷ đồng x N1 + 50 tỷ đồng x N2 < C. Trọng đó, C là giá trị thực của vốn điều lệ của NHTM đến thời điểm đề nghị. N1 là số lượng chi nhánh đã thành lập tại khu vực nội thành thành phố Hà Nội và khu vực nội thành thành phố Hồ Chí Minh. N2 là số lượng chi nhánh đã thành lập và đề nghị thành lập tại khu vực ngoại thành thành phố Hà Nội, khu vực ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh; và các tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm