Tác phẩm 'Tâm tình' thể hiện sự bình dị, thân tình của người Hà Nội.
Ghi chép về sự thay đổi của Hà Nội
Triển lãm “Xuống phố 4” của họa sĩ Phạm Bình Chương tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (đến ngày 7/11) là triển lãm cá nhân lần thứ 4 về đề tài Hà Nội, và là cuộc triển lãm cá nhân thứ 6 trong hành trình tìm kiếm vẻ đẹp của chuyển động hội họa.
Được gọi là “họa sĩ của phố phường Hà Nội”, Phạm Bình Chương thích thể hiện sự chuyển động của Hà Nội trong tranh. Sự thay đổi về bộ mặt của Thủ đô luôn được đặt cạnh những giá trị bất biến - đó là đời sống bình dị của người Hà Nội, mà anh quen gọi đó là “sự xung đột dịu êm”.
Trong triển lãm lần thứ 4 trong series “Xuống phố” (từ năm 2004), sự chuyển động của Hà Nội được thể hiện ngày càng rõ nét, bởi chất hiện thực mà họa sĩ cố gắng chuyển hóa. 18 tác phẩm sơn dầu khổ lớn trong triển lãm lần này được Phạm Bình Chương khai thác mạnh mẽ các xung đột đang diễn ra hàng giờ hàng ngày trong lòng Hà Nội.
“Tôi muốn lột tả vẻ đẹp của Hà Nội cũng như tình yêu của mình với Hà Nội thật khúc chiết để qua đó người xem có thể cảm nhận được mùi vị của Hà Nội, bao gồm cả vẻ đẹp kiến trúc lẫn vẻ đẹp của đời sống con người. Tôi muốn người xem thấy được một Hà Nội thật yên lành, thật bình dị dù cũ kỹ”, họa sĩ Phạm Bình Chương chia sẻ.
Những bức tranh tả thực về Hà Nội với khu phố nhuốm màu thời gian, ngõ nhỏ, cây bàng góc phố, mái ngói rêu phong hay cả những tia nắng hắt qua ô cửa, xuyên qua tán lá… như những thước phim chọn lọc ghi lại những khoảnh khắc từng rất quen thuộc, đang dần xa lạ để đối sánh với tốc độ đô thị hóa của Hà Nội.
Ngắm một Hà Nội khúc chiết theo phong cách hiện thực, nhưng ít ai biết rằng Phạm Bình Chương từng có thời gian theo đuổi cách vẽ trừu tượng, biểu hiện. Thế rồi anh thấy mọi thứ trở nên xa lạ khi hiện thực gần như bị bỏ quên giữa “cơn bão” nghệ thuật mới tràn vào.
Phạm Bình Chương nhận ra hiện thực cần được đánh thức, thế là anh dấn thân theo phong cách hiện thực, nhưng lúc đầu chỉ là để thỏa mãn câu hỏi “có vẽ được không?”.
“Càng đi sâu càng mê, càng thấy mình hợp với hiện thực. Bước ngoặt lớn nhất của tôi là tác phẩm tham dự Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô vào năm 1998. Khi ấy, tôi vẽ hiện thực phố, và bức tranh ấy đã thu hút sự chú ý bởi kiểu vẽ phố lạ mắt, nhưng chính xác hơn lại là sự quen thuộc được thể hiện sống động như thật”, họa sĩ Phạm Bình Chương nhớ lại.
Trong suốt 25 năm qua, Phạm Bình Chương vẽ khoảng 200 bức tranh cùng chủ đề Hà Nội. Có thể thấy anh vẽ không nhiều, không nhanh mà cứ chậm rãi, thản nhiên chứng kiến những đổi thay của phố phường, để rồi có lúc nhấn nhá trong nét vẽ như lột tả cả những điều vô duyên đang thay thế những nét duyên dáng vốn có của Hà Nội.
Ngắm nhìn các bức tranh, họa sĩ Phạm An Hải nói rằng, 18 tác phẩm tại triển lãm này của Phạm Bình Chương không lặp lại sự mòn của những cuộc triển lãm trước. Chậm rãi ngắm xem sẽ phát hiện ra cái âm ỉ bùng nổ bên trong của bề mặt phong cảnh phố. Nó thể hiện sự khát khao, níu giữ bảo tồn một thực tại bất khả thi, qua sự ghi chép kỹ lưỡng đến tuyệt vọng từng viên gạch đến mảng tường vôi vỡ...
Họa sĩ Phạm Bình Chương giới thiệu cho công chúng về những tác phẩm trong triển lãm 'Xuống phố 4'.
Tả thực chứ không lãng mạn, thi vị hóa
Với 18 bức tranh trong lần thứ 4 “Xuống phố”, người xem đã lặng đi trước những khoảnh khắc bình dị của một thành phố cũ kỹ, yên lành. Nó gợi cho người xem sự đối sánh chọn lựa giữa khát khao phát triển một thành phố sầm uất sôi động, với ước vọng thành phố cổ kính và lặng lẽ dưới bóng cây.
Sẽ không có sự lựa chọn về một thành phố không phát triển, nhưng vẫn có thể ngắm nhìn những gì đã mất qua bút họa tả thực của Phạm Bình Chương. Ở mỗi bức tranh, Hà Nội không chỉ yên lành, mà còn cả những hoang hóa, rơi rụng từ mảng tường, cánh cửa cho đến mái ngói, biển hiệu…
Sinh năm 1973 ở phố Hàng Gà, Phạm Bình Chương đã có tuổi thơ ngập tràn ký ức nơi phố cổ. Khi trưởng thành, anh lại ở và sáng tác trong một căn gác tại phố Lương Ngọc Quyến. Loanh quanh trong những con phố đã đi vào văn chương, lối sống tiêu biểu của người Hà Nội khiến Phạm Bình Chương có những cảm nhận vừa riêng, vừa thật.
Họa sĩ Phạm Bình Chương cho biết, anh không lãng mạn hay thi vị hóa Hà Nội.
Có lẽ bởi vậy mà anh chia sẻ rằng, bản thân chỉ vẽ những cái Hà Nội đang còn ở thời điểm cầm cọ, vẽ với cảm xúc thật mà cảnh trí đó đập vào mắt. Đó là cái anh nhìn thấy, là cảm xúc họa sĩ cảm nhận được. Có thể cảnh trí đó đẹp hơn, lung linh hơn chút ít bằng thủ pháp màu sắc và cảm xúc, nhưng không lãng mạn hay thi vị hóa.
Nếu như Hà Nội trong tranh Bùi Xuân Phái là phố cổ rêu phong, man mác buồn và trĩu nặng tâm tư, thì Hà Nội của Phạm Bình Chương có một giai điệu khác, không trầm buồn như Bùi Xuân Phái, cũng không rộn ràng tấp nập như tranh của những họa sĩ khác vẽ về Hà Nội.
Những bức tường, ô cửa, vỉa hè, quán nước như được họa sĩ kết nối với ký ức, nhắc cho người xem thấy thấp thoáng một Hà Nội vẫn chưa mất hẳn. Nếu xuống phố, nhẩn nha nhìn nhận và bình tĩnh cảm nhận, vẫn thấy đâu đó những nét giản dị, thanh bình xưa của Hà Nội phố thấp thoáng đâu đây.
Có lẽ sự nhẩn nha, bình tĩnh ấy cũng là cảm nhận của nhiều người khi hầu hết các bức tranh trưng bày trong triển lãm đã được các nhà sưu tập “đánh dấu đỏ” (đã mua). Điều đó phần nào chứng minh sức hút nghệ thuật hội họa Phạm Bình Chương luôn có chỗ đứng xứng đáng trong lòng công chúng và giới sưu tập mỹ thuật.
“Con người cũng giống như Hà Nội, cũng có những thân phận riêng. Tôi yêu sự thay đổi trong cái giao thời của Hà Nội. Mỗi góc cảnh, mỗi khung cửa tôi chọn lựa đặt vào tranh, ở đó có văn hóa, có lớp lớp thời gian, có hiện tại và quá khứ, có cái đã qua và cái đang tiếp diễn. Tất cả chồng phủ lên nhau nhưng là một thể thống nhất không tách rời, đó là Hà Nội”, họa sĩ Phạm Bình Chương cho biết.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm