Dẫn nguồn trên Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam đến nay, tỉ lệ mắc Covid-19 của trẻ dưới 18 tuổi ở nước ta là 19,2%, tương đương khoảng 490.000 trẻ. Trong đó có 4,8% trẻ từ 13-17 tuổi; 8% trẻ 6-12 tuổi; 2,8% trẻ từ 3-5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0-2 tuổi.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm: Những trường hợp trẻ mắc Covid-19 viêm đa hệ tuy hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới. Với biến chủng Omicron, việc lây nhiễm sẽ có nguy cơ nhiều hơn ở nhóm trẻ em chưa được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.
Tại hội nghị trực tuyến hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc về hướng dẫn, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc Covid-19 do Bộ Y tế tổ chức mới đây, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết tình trạng mắc Covid-19 ở trẻ ngày càng gia tăng. Lý do là vì trẻ được đi học, một số lượng lớn các em chưa được tiêm vaccine cộng thêm tốc độ lây lan nhanh của virus.
Theo chuyên gia, thông thường trẻ khi mắc Covid-19 chỉ cần theo dõi, điều trị tại nhà, một tỷ lệ rất nhỏ vào viện khám. Với những trẻ có triệu chứng thở nhanh, chỉ số bão hòa oxy giảm, bác sĩ cần chỉ định chụp X-quang, nếu X-quang bình thường thì kiểm tra lại, có thể cho trẻ về nhà.
Thể nặng và nguy kịch là khi bão hòa oxy tụt, trẻ kém ăn, bỏ bú, tổn thương phổi rõ rệt, thậm chí có trường hợp bị sốc, suy đa phủ tạng, phải thở máy…
Chia sẻ trên Dân trí, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia truyền nhiễm, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) vừa có chia sẻ, giải đáp tổng thể các thông tin xoay quanh việc chăm sóc, điều trị khi trẻ thành F0, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tại TPHCM và cả nước tăng vọt trong ít ngày qua.
Tại cuộc nói chuyện, chuyên gia nhận định, có 4 triệu chứng trẻ F0 thường hay gặp mà trước khi có dịch, cha mẹ không quá bận tâm, nhưng giờ lại lo lắng quá mức... dù không diễn tiến nặng, đó là sốt, đau đầu nôn ói, ho và tiêu chảy.
Phân tích cụ thể, bác sĩ Khanh chia sẻ, trước khi có Covid-19, trẻ sốt cha mẹ thường nghĩ đến sốt siêu vi, hoặc sốt do nhiễm vi khuẩn. Điều này có phần không đúng, bởi khi trẻ sốt rất cao có trường hợp đã chuyển thành sốt xuất huyết. Sau 48-72h, sốt xuất huyết có thể chuyển biến nặng hoặc thành các bệnh lý qua não... Nhưng nếu trẻ sốt cao khi đã xác định là F0, phụ huynh không cần quá lo lắng, vì sốt do Covid-19 ít nguy hiểm hơn nhiều so với sốt siêu vi, đặc biệt là chủng Omicron gần như không có biến chứng.
Tương tự như vậy, triệu chứng thứ hai là đau đầu, nôn ói do Covid-19 cũng ít nguy hiểm và ổn hơn khi trẻ nôn ói do sốt siêu vi.
Thứ ba, nếu trẻ ho nhiều, thông thường sẽ là viêm đường hô hấp trên do siêu vi, có thể trở nặng thành viêm tiểu phế quản phải nhập viện vì không ăn uống được, thậm chí biến chứng khó thở do virus hợp bào hô hấp (RSV) gây ra, nhưng ho do Covid-19 sẽ loại trừ được virus RSV nguy hiểm.
Cuối cùng, triệu chứng tiêu chảy do Covid-19 không dẫn đến mất nước nhiều như nhiễm Rotavirus thông thường và hết rất nhanh.
"Tôi hay được phụ huynh hỏi là làm sao để mau hết các triệu chứng trên. Câu trả lời là không cần và không thể nhanh hơn được vì bản chất là tự hết, tùy vào thể trạng và mức độ đào thải của cơ thể. Nếu nhiễm chủng Omicron, con nít bệnh rất nhẹ" - bác sĩ Khanh khẳng định.
Về cách xử lý triệu chứng, chuyên gia cho biết, khi trẻ sốt cao (từ 38,5 độ trở lên) thường sẽ có các triệu chứng như tay chân lạnh, nổi bông cơ thể, lạnh run. Phụ huynh chỉ cần cho uống thuốc hạ sốt (paracetamol hoặc ibuprofen). Nếu uống mà không hết sốt khả năng uống chưa đủ liều, cần tăng lên theo cân nặng và uống nhiều nước.
Bác sĩ Khanh nói thêm, co giật cũng là triệu chứng khiến mọi người lo sợ, nhất là trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi. Cha mẹ hãy tích cực lau mát, kiểm tra nhiệt độ thường xuyên cho trẻ. Khi trẻ sốt mà không tiêu chảy, không cần cho uống thuốc bù nước và điện giải oresol. Khi trẻ đau đầu, chỉ cần cho nằm nghỉ ngơi, bị ói thì uống thuốc chống ói hoặc uống trà gừng. Nếu trẻ sổ mũi có thể dùng nước muối sinh lý (với trẻ nhỏ) hoặc thuốc xịt mũi Otrivin (với trẻ lớn).
Với triệu chứng ho, ở trẻ từ 1,5-12 tuổi thường cho uống tân dược (như dextromethorphan) nhưng không có thành phần codein trong thuốc. Với trẻ nhỏ, phụ huynh có thể cho uống thuốc thảo dược và uống nhiều nước. Thông thường, triệu chứng này sẽ hết sau 3 ngày điều trị.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm