Khi nói đến hoạt động thu hồi nợ, hầu hết chúng ta thường liên tưởng đến những “đại ca” bặm trợn, chuyên đi đòi nợ cho các tổ chức tín dụng đen. Thế nhưng, thực tế, nhân viên thu hồi nợ ngân hàng lại mang một hình ảnh hoàn toàn khác.
Với kinh nghiệm gần 20 năm trong ngành nhân sự tài chính ngân hàng, Thạc sĩ Vũ Việt Dũng (Chủ tịch KeyPerson, Cố vấn cấp cao Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Đại Nam) sẽ hé lộ những sự thật thú vị về công việc này.
Đứng cho vay, quỳ đòi nợ
Đây là một câu nói vui để thể hiện sự vất vả của nghề thu hồi nợ. Khi cấp tín dụng (cho vay) khách hàng, khách hàng thường rất hợp tác nên người cho vay (cán bộ tín dụng) có thể “đứng” để làm việc. Nhưng đến khi phải thu hồi nợ (thường là nợ xấu, khách hàng khó có khả năng trả nợ) thì những cán bộ thu hồi nợ sẽ rất vất vả, thậm chí còn phải “quỳ” để xin khách hàng trả nợ cho ngân hàng.
Anh T, người có kinh nghiệm hơn 10 năm trong việc thu hồi nợ, tâm sự: “Các cán bộ tín dụng thì còn được gọi là các anh tín dụng, nhưng nhưng nhân viên thu hồi nợ như chúng tôi thì hay bị gọi là “thằng”. Vì khi phải trả nợ thì chẳng khách hàng nào vui vẻ và mong chờ cả”.
Anh M, một nhân viên thu hồi nợ khác, cũng chia sẻ anh từng gặp không ít trường hợp dở khóc, dở cười khi làm nghề. Một lần, khi đi đòi nợ một khách nợ như “Chúa Chổm” cả trong ngân hàng lẫn ngoài “xã hội”, anh bị bố của khách hàng hiểu lầm là “dân anh chị”, đi đòi nợ “xã hội” và nhận không ít lời chửi mắng, đe dọa. Sau khi anh đã bình tĩnh và kiên nhẫn giải thích hết mọi nhẽ, bố của khách hàng mới hiểu ra và sẵn sàng hợp tác với ngân hàng để làm thủ tục trả nợ.
Công việc chính của nhân viên thu hồi nợ
Tùy vào đặc thù của từng ngân hàng, mà các bộ phận thu hồi nợ được tổ chức theo những cơ cấu khác nhau. Với một số ngân hàng, cán bộ tín dụng sẽ phải làm trọn gói tất từ hoạt động cấp tín dụng cho đến việc thực hiện thu hồi nợ (bao gồm cả nợ xấu).
Trong khi đó, một số ngân hàng theo hướng hiện đại, chuyên môn hóa cao thì họ có những bộ phận thu hồi nợ riêng (gọi là Khối/Trung tâm thu hồi nợ), với các đơn vị khác nhau như: Nhắc nợ (qua điện thoại với các khoản đến ngày cần thanh toán hoặc quá hạn ít ngày); thu hồi nợ cá nhân/doanh nghiệp; thu hồi nợ pháp lý (chuyên xử lý các khoản nợ khi phải ra tòa án). Thực hiện chuyên môn hóa như vậy sẽ giúp cho công việc được chuyên nghiệp hơn.
Thậm chí, một số ngân hàng còn có cả các đơn vị Chiến lược thu hồi nợ. Bộ phận này sẽ phân tích định lượng về các chỉ số nợ, khách hàng… từ đó đưa ra được những giải pháp, kế hoạch, cách thức thu hồi nợ hợp lý với từng loại hình sản phẩm, đối tượng khách hàng khác nhau.
Đặc biệt, cán bộ thu hồi nợ cũng có KPI và incentive giống như cán bộ tín dụng/quan hệ khách hàng. Ví dụ, bộ phận nhắc nợ qua điện thoại thì có thể có KPI là số lượng cuộc gọi, tỷ lệ khách hàng đóng nợ đúng hạn….
Với các ngân hàng có bộ phận thu hồi nợ riêng (Khối/Trung tâm), thì nhân viên thu hồi nợ cũng sẽ có lộ trình thăng tiến tương đối giống so với các bộ phận khác, đó là: Nhân viên – Chuyên viên – Chuyên viên cao cấp – Trưởng bộ phận – Trưởng phòng – Giám đốc Khối/Giám đốc Trung tâm. Đây cũng là một nghề có số lượng nhân sự khá lớn, từ vài trăm cho đến nghìn nhân viên (như các bank cho vay khách hàng cá nhân lớn hoặc các công ty tài chính tiêu dùng).
Xóa bỏ những hiểu nhầm
Nhiều người cứ nghĩ cán bộ thu hồi nợ là phải dân anh chị, xăm trổ hoặc gấu hơn cả xã hội đen, nhưng sự thực lại hoàn toàn không phải như vậy. Họ cũng là những cán bộ ngân hàng, tốt nghiệp các trường đại học khối ngành kinh tế, tài chính ngân hàng, luật… như bao cán bộ khác. Tuy nhiên, trong quá trình tác nghiệp họ cũng sẽ gặp phải không ít rủi ro, nguy hiểm: xã hội đen dọa hành hung, khách hàng không hợp tác… nhưng họ vẫn phải vượt qua để đảm bảo những kế hoạch của ngân hàng. Ngân hàng cũng có những khóa huấn luyện cho cán bộ thu hồi nợ về kỹ năng, phẩm chất giúp xử lý những tình huống khó trong khi thực thi nhiệm vụ, nhằm giảm thiểu rủi ro và gia tăng hiệu quả công việc.
Nhân viên thu hồi nợ trong ngân hàng cũng là một vị trí bình thường như bao vị trí khác trong ngân hàng. Họ có phải chịu KPI và thưởng, có lộ trình thăng tiến và cũng cần đáp ứng những yêu cầu để được tuyển dụng. Mặc dù chịu nhiều áp lực trong quá trình thực hiện công việc, nhưng không thể không thừa nhận đây là một công việc thú vị và rèn luyện được nhiều phẩm chất và kỹ năng thú vị, có thể áp dụng trong công việc và trong cuộc sống.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm