Thông tin trên Báo Đà Nẵng cho biết, ngày 25/10, bà Lê Thị Bích Thuận Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Đà Nẵng cho biết, sở có hướng dẫn và trao quyền chủ động cho các đơn vị, trường học, nhất là những khu vực thấp trũng, ngập nước để đề xuất phương án cho học sinh nghỉ học phù hợp với tình hình thực tế.
Theo bà Thuận, một số trường học trên địa bàn TP đã chủ động cho học sinh nghỉ học từ chiều cùng ngày vì đường đến trường bị ngập cục bộ, có nguy cơ bị lũ quét.
Trao đổi với Báo Thanh niên, Trưởng phòng GD&ĐT Hòa Vang (TP Đà Nẵng) Lê Thanh Hoàng cho biết, sau cơn mưa kéo dài từ trưa ngày 25/10, một số trường trên địa bàn huyện (Trường Tiểu học số 2 Hòa Liên, điểm Trường Lộc Mỹ và Nam Yên của Trường Tiểu học và Mầm non Hòa Bắc, Trường THPT Phạm Phú Thứ) đã chủ động cho học sinh nghỉ học.
Nhà trường đã liên lạc với phụ huynh để đến trường đón học sinh về sau giờ nghỉ trưa. Giáo viên được hướng dẫn chỉ bàn giao học sinh khi có người nhà đến đón, không để học sinh tự ra về một mình trong điều kiện mưa rất to.
Đường Âu Cơ bị ngập sâu sau mưa lớn. Ảnh: Báo Thanh niên
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Lịch, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Liên Chiểu, cho biết từ trưa 25/10 tại Trường mầm non Việt - Anh (P.Hòa Khánh Nam) vị trí trũng thấp, nơi bị thiệt hại nặng nề sau trận lũ lịch sử vừa qua nên xảy ra ngập nước.
Theo ông Lịch, trường học này gần khu công nghiệp, phụ huynh đa phần làm công nhân nên nếu thông báo cho phụ huynh đến đón con vào giữa buổi học thì nhiều gia đình sẽ không sắp xếp được.
Do đó, nhà trường đã dời các cháu đến tầng 2 của trường để đảm bảo an toàn. Chiều nay, nước vẫn chưa ngập vào phòng học nên nhà trường vẫn tổ chức dạy học và chăm trẻ bình thường. Đến chiều, nước rút nên phụ huynh đã đón con em về hết.
Được biết, từ sáng đến đầu giờ chiều ngày 25/10, tại TP Đà Nẵng có mưa to khiến một số tuyến đường ở Đà Nẵng ngập cục bộ. Nhiều khu vực ở quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ nước ngập gần nửa mét. Do vừa trải qua một trận ngập lịch sử nên người dân Đà Nẵng đã chủ động ứng phó. Trên các trang mạng xã hội tràn ngập hình ảnh mưa ngập và kêu gọi bà con sẵn sàng ứng phó.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng có Công điện đề nghị các sở, ban, ngành, quận, huyện tiếp tục thực hiện phương án phòng chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2022...
Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, các bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nguời dân khi có tình huống xảy ra. UBND các quận, huyện sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống mưa, lũ, lũ quét và sạt lở đất; rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét (đặc biệt chú ý nhân dân sống tại ven suối, sông Yên, Túy Loan, Cu Đê…và các địa bàn trũng thấp, ngập lụt tại các quận);
Sẵn sàng triển khai sơ tán dân; tổ chức chốt chặn tại các tuyến đường ngập sâu; nghiêm cấm người và phương tiện không có nhiệm vụ phòng, chống thiên tai đi lại, đánh bắt thủy sản trên sông, vùng trũng thấp, ngập lũ, qua ngầm, cầu tràn, rừng, núi và các khu vực có nguy cơ sạt lở...
Theo tin của Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Trung Trung bộ, trưa 25/10, mực nước trên sông Vu Gia và các sông tại Đà Nẵng đang xuống chậm và ở dưới mức báo động (BĐ) 1.
Từ ngày 25 đến ngày 27/10, trên sông Vu Gia và các sông thuộc TP Đà Nẵng khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông Vu Gia ở mức dưới BĐ2 đến trên BĐ2 và các sông thuộc Đà Nẵng có khả năng ở mức BĐ1 đến trên BĐ1.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm