Vị trí siêu đắc địa
Luật Nhà ở (Nghị định 99/2015/NĐ-CP, Nghị định30/2021/NĐ-CP) quy định: “Tên của dự án phải được đặt tên bằng tiếng Việt, nếu chủ đầu tư có nhu cầu đặt tên dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại bằng tiếng nước ngoài thì phải viết đầy đủ tên tiếng Việt trước và viết tên tiếng ngoài sau”.
Thế nhưng trên một số trang web hiện lại đang quảng cáo về dự án tại khu đất 2 mặt tiền 22-24 Hàng Bài và 25-27 Hai Bà Trưng (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) với cái tên “đặc sệt” 100% tiếng nước ngoài: “The Grands Ritz Carlton Branded Residents” hoặc “The Grand HaNoi”.
Nằm tại vị trí trung tâm của thủ đô Hà Nội, dự án được quảng cáo là có vị trí siêu đắc địa, có 1-0-2, tọa lạc tại vị trí không thể đẹp hơn với 2 mặt tiền Hàng Bài và Hai Bà Trưng, cách Hồ Gươm chỉ 2 phút đi bộ, cách Tràng Tiền Plaza chừng 10m; gần trụ sở nhiều bộ ban ngành của Hà Nội…
Diện tích khu đất được giới thiệu rộng 4.071m2 trong đó diện tích xây dựng gần 2.800m2. Mật độ xây dựnglên tới 73,3%. Loại hình phát triển: Tổ hợp 2 toà Trung tâm thương mại, văn phòng cao cấp và căn hộ hạng sang.
Quy mô dự án: 8 tầng cao và 6 tầng hầm (1 tầng hầm bể bơi + 1 tầng hầm TTTM + 3 tầng hầm để xe + 1 tầng hầm kỹ thuật). Số lượng căn hộ: 104 căn, diện tích từ 115m2 – 200m2 (có trang web lại ghi là 95-220m2).Hình thức sở hữu lâu dài, khởi công tháng 3/2021, dự kiến bàn giao: Quý III/2023.
Giá bán dự kiến được công bố vào loại cao ngất ngưởng mà chắc chắn người nghèo đừng bao giờ mơ tới là từ 25.000 – 30.000USD/m2 (hay khoảng 500 triệu đồng/1m2). Tương đương giá mỗi căn hộ sẽ rơi vào khoảng 85 – 175 tỷ đồng. Đây cũng được coi là mức giá cao kỷ lục, chưa từng có tại thị trường địa ốc Thủ đô.
Những thông tin trên cho thấy, khu đất sở hữu một vị trí “kim cương” mà chắc chắn doanh nghiệp địa ốc nào cũng mong muốn sở hữu. Ước tính chỉ tính riêng giá trịchuyển nhượng căn hộ, nhà đầu tư đã có thể thu về hơn 13.000 tỷ đồng.
Quá trình lập dự án ra sao?
Khu đất có vị trí cực kỳ đắc địa và giá trị lợi thế thương mại rất lớn như vậy đòi hỏi quá trình lập, triển khai dự án vô cùng chặt chẽ để tránh nguy cơ thất thoát ngân sách nhà nước.
Theo đó, hơn 20 năm trước, ngày 31/12/2001, UBND TP.Hà Nội có văn bản số 3210/UB-NNĐC chấp thuận về nguyên tắc việc chuyển đổi mục đích sử dụng nhà, đất, cho phép Cty Kinh doanh và Xây dựng nhà làm chủ đầu tư lập dự án xây dựng Trung tâm thương mại và văn phòng tại địa điểm 22-24 phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm.
Thời điểm này, Cty Kinh doanh và Xây dựng nhà là doanh nghiệp nhà nước, một trong những đơn vị thành viên của Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội- handico.
Gần 1 năm sau đó, ngày 2/12/2002, thành phố tiếp tục có văn bản số 3345/UB-NNĐC cho phép Cty Kinh doanh và Xây dựng nhà được nghiên cứu sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng nhà ở chung cư cao tầng phục vụ việc di dân tái định cư tại chỗ.
Tháng 11/2004, khu đất vàng này được UBND TP Hà Nội ra quyết định thu hồi và giao Cty Kinh doanh và Xây dựng nhà thực hiện dự án xây dựng Trung tâm thương mại - văn phòng.
Chưa bàn đến năng lực (tài chính và kinh nghiệm) của chủ đầu tư nhưng có thể thấy, chủ trương di dời các nhà máy, xí nghiệp ra khỏi khu vực nội đô lịch sử là hoàn toàn đúng đắn. Việc xây dựng theo đúng quy hoạch sẽ phát huy giá trị sử dụng của khu đất.
Nhưng chỉ có điều, sau khi “có” đất, chưa đầy 3 tháng sau, ngày 24/01/2005, Kinh doanh và Xây dựng nhà đãchuyển thành công ty cổ phần.
Đối với dự án tại khu đất Hàng Bài, theo quy định sau 12 tháng liền kể từ ngày giao nhận đất trên thực địa, nếu chủ đầu tư không sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư thì Sở Tài nguyên & Môi trường lập hồ sơ trình UBND TP thu hồi quyết định cho thuê đất.
Thế nhưng ngày 27/6/2006, UBND TP Hà Nội bất ngờ ban hành văn bản số 2800/UBND-KT đồng ý về chủ trương thành lập công ty cổ phần để thực hiện dự án.
Tiếp đó, ngày 24/9/2009, thành phố có văn bản “rất lạ” số 9209/UBND-KH&ĐT chấp thuận chuyển chủ đầu tư dự án từ Cty Kinh doanh và Xây dựng nhà sang Cty CP Thời đại mới T&T, đồng thời cho phép Thời đại mới T&T được kế thừa các văn bản, nội dung công việc đã thực hiện.
Trên cơ sở này, ngày 24/6/2010, UBND TP đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 01121000863 (cấp điều chỉnh lần 1 ngày 11/05/2015) cho Cty CP Thời đại mới T&T thực hiện dự án Công trình hỗn hợp thương mại, văn phòng và nhà ở bán tại địa điểm trên với diện tích khu đất khoảng 4.072,9m2.
Bộ Xây dựng từng đề nghị rà soát, kiểm tra?
Theo tìm hiểu, ở thời điểm Hà Nội chấp thuận cho CtyThời đại mới T&T làm chủ đầu tư, Bộ Xây dựng đã từng có ý kiến.
Cụ thể, Bộ này đề nghị Sở KH-ĐT Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm tra đảm bảo chủ đầu tư cũ là Cty cổ phần kinh doanh và xây dựng nhà và chủ đầu tư mới là Công ty cổ phần Thời đại mới T&T có thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật đất đai, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư và Luật kinh doanh bất động sản hay không?
Điểm đáng chú ý, tại thời điểm đăng ký thành lập, Thời đại mới T&T có vốn điều lệ 30 tỷ đồng với 4 cổ đông sáng lập, trong đó ngoài hai cá nhân là Đỗ Quang Vy (4%), Ngô Bích Thảo (2%) thì Cty TNHH Thương Mại dịch vụ và khách sạn Tân Hoàng Minh, đại diện là ông Đỗ Anh Dũng chiếm tỷ lệ tới 90% cổ phần. Riêng Cty CP Kinh doanh và xây dựng nhà (đại diện là ông Hoàng Quang Thành) – chủ đầu tư cũ lại chỉ chiếm vỏn vẹn… 4%.
Nói cách khác, Thời đại mới T&T là công ty tư nhân do Tân Hoàng Minh nằm quyền chi phối.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm