Theo thông tin trên báo CAND, ngày 24/3/2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết đã nhận được phản ánh về việc có người giả mạo nhân viên của trung tâm này, yêu cầu người dân cung cấp thông tin để được đưa đi cách ly.
Cụ thể, người dân cho biết đã nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ 0385xxxx34, tự xưng là nhân viên của HCDC, thông báo họ có kết quả dương tính với Covid-19. Kẻ mạo danh yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân và xác nhận để HCDC đến đưa đi cách ly theo quy định của Bộ Y tế.
HCDC khẳng định đây là cuộc gọi lừa đảo và người dân cần cảnh giác cao độ và cho biết đơn vị này không gọi điện thoại trực tiếp cho người dân để xác minh và đến đưa đi cách ly. Qua sự việc trên, HCDC khuyến cáo người dân hãy nâng cao cảnh giác trước các trường hợp giả mạo nhân viên y tế, nhân viên HCDC nhằm mục đích xấu. Khi nhận được cuộc gọi, tin nhắn về việc có cán bộ y tế đến tận nhà hỗ trợ phòng chống dịch, người dân cần phải xác minh, kiểm chứng để không bị lừa đảo.
Bên cạnh đó, mỗi người dân nên lưu số điện thoại của Trạm y tế, Trung tâm Y tế nơi mình sinh sống để dễ dàng cho việc khai báo, liên hệ khi cần thiết. Đồng thời, theo dõi thông tin chính thức từ Ngành Y tế, địa phương nơi cư trú để nắm bắt thông tin chính xác, kịp thời.
Theo HCDC, khi người dân có triệu chứng nghi mắc Covid-19 sẽ thực hiện xét nghiệm nhanh tại nhà, nếu có kết quả dương tính thì đăng nhập vào địa chỉ https://khaibaof0.tphcm.gov.vn trên máy tính hoặc điện thoại thông minh để khai báo xác nhận là F0 và được cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly y tế tại nơi lưu trú hoặc có thể gọi y tế địa phương để được hướng dẫn thêm khi cần thiết.
Ảnh minh họa
Trước đó, như báo VNExpress đưa tin, ngày 24/3 UBND TP.HCM có văn bản khẩn hướng dẫn biện pháp cách ly đối với F1 đi làm, đi học. Theo đó, F1 đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã từng mắc Covid-19 trong vòng 3 tháng được phép tiếp tục đi làm, đi học. Tuy nhiên phải tự theo dõi sức khỏe ít nhất 10 ngày kể từ ngày tiếp xúc gần lần cuối với F0, thực hiện xét nghiệm vào ngày thứ 5 và khi có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19.
Trong thời gian này, F1 di chuyển từ nơi lưu trú đến nơi học tập, làm việc bằng phương tiện cá nhân, thường xuyên đeo khẩu trang; sát khuẩn tay; không dùng chung vật dụng cá nhân trong sinh hoạt, làm việc, học tập. Đồng thời, tránh tiếp xúc gần với những người thuộc nhóm nguy cơ.
Về việc tại sao chưa cho F0 đi làm, đi học trực tiếp như một số tỉnh, thành trong cả nước (Long An, Cà Mau), báo PL TP.HCM đưa tin, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho rằng, hiện nay việc tham mưu phương án ứng phó với dịch Covid-19 do Sở Y tế thực hiện nhưng Ban chỉ đạo phòng chống dịch và phục hồi kinh tế TP.HCM là cơ quan đưa ra quyết định cuối cùng.
“Đánh giá tình hình về số ca mắc Covid-19 mới, số ca nặng và tử vong, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND TP cho phép F1 đi làm nếu đáp ứng một số điều kiện” - bà Mai nói. Tuy nhiên, với trường hợp F0, bà Mai cho rằng đó là những người bệnh cần được điều trị tại nhà hoặc bệnh viện.
Theo bà Mai, mặc dù số ca tử vong do Covid-19 giảm ở mức rất thấp nhưng số ca nặng chưa giảm bền vững mà lên xuống liên tục. “Nếu số ca mắc Covid-19 lại tăng, chắc chắn ca nặng và tử vong sẽ tăng, đó là kinh nghiệm của TP.HCM rút ra từ các đợt dịch trước đây” - bà Mai nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết theo đề xuất trước đó của Bộ Y tế, không phải F0 nào cũng có thể đi làm. Chỉ các F0 đáp ứng điều kiện có thể làm việc trực tuyến tại nhà hoặc khu cách ly, làm việc ở cơ sở chăm sóc F0 khác kèm theo nhiều điều kiện ràng buộc.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm