Áp lực từ những hình mẫu hoàn hảo trên mạng xã hội
Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đang vô tình tạo ra những hình mẫu “người mẹ lý tưởng” – luôn rạng rỡ, đảm đang, nuôi con khéo léo. Điều này khiến không ít phụ nữ sau sinh rơi vào khủng hoảng tâm lý, thậm chí trầm cảm, vì cảm giác bị so sánh và kỳ vọng quá mức.
Chị Hoàng Thanh Thảo (27 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) từng háo hức với hành trình làm mẹ. Thế nhưng, sau khi sinh con đầu lòng, chị nhanh chóng rơi vào trạng thái mất cân bằng.
Những hình ảnh "người mẹ lý tưởng" luôn rạng ngời đảm đang ... xuất hiện nhiều trên mạng xã hội khiến nhiều phụ nữ rơi vào khủng hoảng. Ảnh: AI
“Mẹ chồng mình lúc nào cũng nhắc đến mấy cô trong xóm – nào là chăm con giỏi, làm kinh tế tốt, vẫn giữ được vóc dáng và tinh thần vui vẻ. Mình thì lần đầu làm mẹ, đang cố gắng từng chút để lo cho con, cho gia đình, nhưng mẹ chồng lại không ghi nhận điều đó”, chị Thảo chia sẻ trong sự mệt mỏi.
Có những lúc, chị Thảo thấy bản thân như bị bóp nghẹt giữa kỳ vọng và sự cô đơn: “Đêm nào cũng thức chăm con, ban ngày lại cố gắng làm mọi việc để không bị chê trách. Nhưng càng cố gắng, mình lại càng cảm thấy mình vô dụng. Có những hôm đang bế con mà mình chỉ muốn biến mất khỏi thế giới này, thật sự đã nghĩ đến cái chết... rồi lại sợ con sẽ không còn ai chăm”, chị nghẹn lời.
Tương tự, chị Nguyễn Hà My (29 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng rơi vào tình trạng thiếu ngủ kéo dài, tinh thần sa sút. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán chị bị trầm cảm sau sinh.
“Cuộc sống đã quá nhiều áp lực, vậy mà mỗi khi tôi mệt mỏi hay xuống tinh thần, người ta lại cho rằng tôi than vãn, yếu đuối. Không ai hỏi tôi có ổn không, chỉ bảo tôi phải giống như những bà mẹ khác – lúc nào cũng vui vẻ, chỉn chu và mạnh mẽ”, chị Linh nghẹn ngào.
Có thời điểm chị Linh không dám bước ra khỏi phòng, sợ phải đối mặt với ánh mắt phán xét từ người thân và hàng xóm. “Tôi từng đứng trước ban công và nghĩ, nếu mình buông tay thì mọi người sẽ nhẹ lòng hơn. Nhưng rồi lại nghĩ đến con. Lỡ mình chết rồi, con sẽ ra sao?”, chị nói.
Khi những chuẩn mực ảo tạo ra tổn thương thật
Theo chị Đỗ Thị Uyên (Tây Mỗ, Hà Nội), trầm cảm sau sinh ngày càng gia tăng không chỉ vì phụ nữ phải chịu nhiều áp lực hơn, mà còn bởi môi trường xung quanh thiếu sự thấu hiểu và đồng hành.
Chị Uyên nhấn mạnh vai trò của người chồng trong việc hỗ trợ vợ vượt qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc sống. Ảnh: Nhật H
“Xã hội bây giờ đặt quá nhiều kỳ vọng lên vai người mẹ. Sau khi sinh, phụ nữ không chỉ phải chăm con, lo toan việc nhà mà còn bị áp lực phải nhanh chóng lấy lại tinh thần, vóc dáng, lúc nào cũng phải tươi tắn như không có chuyện gì xảy ra. Nhưng nếu không ai chịu lắng nghe hay thấu hiểu những mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần của họ, thì rất dễ đẩy họ vào cảm giác đơn độc và bế tắc”, chị Uyên chia sẻ.
Chị cũng nhấn mạnh vai trò của người đàn ông trong việc hỗ trợ vợ vượt qua giai đoạn này: “Người chồng không cần phải làm điều gì lớn lao, chỉ cần ở bên, chia sẻ việc nhà, chăm con cùng và dành thời gian trò chuyện. Đừng để vợ cảm thấy cô đơn ngay trong chính tổ ấm của mình. Chính sự thấu hiểu và đồng hành của người bạn đời có thể là liều thuốc tinh thần quý giá nhất”.
Chuyên gia tâm lý Mai Việt Đức (Trung tâm tư vấn, trị liệu tâm lý Nhân Hoa Việt) nhận định, áp lực phải trở thành “người mẹ hoàn hảo” – một hình tượng được tô vẽ đầy lý tưởng trên mạng xã hội – đang là nguyên nhân dẫn đến ngày càng nhiều rối loạn tâm lý ở phụ nữ sau sinh, đặc biệt là trầm cảm.
“Trên các nền tảng mạng xã hội, không khó để bắt gặp hình ảnh những bà mẹ luôn xinh đẹp, tươi tắn, con cái khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc. Những hình ảnh đó vô tình tạo nên một chuẩn mực rất phi thực tế. Trong khi đó, trải nghiệm thực tế của hầu hết phụ nữ sau sinh là vô cùng vất vả: thiếu ngủ, thay đổi nội tiết tố, cơ thể đau nhức, tâm lý bất ổn và hàng loạt lo toan”, ông Đức phân tích.
Chuyên gia cho rằng, khi sự mệt mỏi của người mẹ không được công nhận, không được sẻ chia, họ dễ rơi vào cảm giác tự ti, thất bại: “Sự so sánh giữa hình ảnh trên mạng và thực tế làm cho nhiều phụ nữ cảm thấy mình không đủ tốt, không xứng đáng làm mẹ. Căng thẳng tích tụ ngày qua ngày, cuối cùng có thể bùng phát thành những rối loạn tâm lý nghiêm trọng”.
Ông Đức cũng chỉ ra một thực tế đáng lo ngại: hiện nay, sức khỏe tâm thần của phụ nữ sau sinh vẫn chưa được nhìn nhận đúng mức. Phần lớn sự quan tâm từ gia đình và xã hội vẫn chỉ tập trung vào sức khỏe thể chất của mẹ và bé, trong khi những dấu hiệu tinh thần như lo âu, buồn bã, cảm giác bị cô lập, kiệt sức,... lại thường bị bỏ qua hoặc xem nhẹ.
“Nhiều phụ nữ mang trong mình suy nghĩ rằng họ phải mạnh mẽ, phải gồng lên vượt qua. Họ sợ bị đánh giá là yếu đuối, sợ mang tiếng than vãn nên chọn cách im lặng, nhẫn nhịn. Chính điều đó khiến nhiều ca trầm cảm bị che giấu và phát hiện quá muộn, khi đã chuyển biến nghiêm trọng”, ông Đức nhấn mạnh.
Theo chuyên gia, đã đến lúc cần có một hệ thống hỗ trợ tinh thần cho phụ nữ sau sinh một cách bài bản, từ sàng lọc tâm lý tại bệnh viện sản – nhi, cho đến tư vấn tâm lý cộng đồng.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm