Năm 2019, vụ án liên quan tới Đinh Ngọc Hệ (hay còn gọi là “út trọc”) và nhóm công ty của ông Hệ (chuyên làm dự án BOT) bị khởi tố.
Thì trong thời gian tháng 3 và 4/2019, 2 chi nhánh của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) liên tiếp rao bán những khoản nợ liên quan đến các doanh nghiệp BOT. Cho dù quyền thu phí và vốn góp tại các dự án BOT có tính thanh khoản cao.
Cụ thể, ngày 19/3/2019, LienVietPostBank - Chi nhánh Chợ Lớn đăng thông tin chào bán một khoản nợ của một khách hàng với dư nợ là 179,7 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 173,5 tỷ đồng, lãi quá hạn 6,2 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm là toàn bộ phần vốn góp của khách hàng tại Công ty TNHH BOT Cầu Rạch Miễu, quyền tài sản liên quan tới phần vốn góp và số tiền được hoàn vốn từ dự án Cầu Rạch Miễu.
Về tình trạng khoản nợ, LienVietPostBank ngày 14/12/2018 đã nộp đơn khởi kiện để yêu cầu thanh toán. TAND Quận 1 10 ngày sau đó đã có thông báo thụ lý vụ án.
Và ngày 12/4/2019, LienVietPostBank - Chi nhánh TP.HCM - PGD Nam Sài Gòn cũng công bố chào bán khoản nợ có tài sản bảo đảm của một khách hàng, với dư nợ đến ngày 2/4/2019 là 457,7 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 435,7 tỷ đồng, lãi quá hạn là 22 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm là toàn bộ quyền thu phí phát sinh tại Dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương (giai đoạn 1) theo hình thức BOT. Tài sản bảo đảm đang trong quá trình thi công.
Theo tìm hiểu của PV, hai khoản nợ với tổng giá trị gần 640 tỷ đồng có liên quan đến nhóm doanh nghiệp của ông Đinh Ngọc Hệ.
Cụ thể, chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương là Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh - doanh nghiệp do bà Vũ Thị Hoan (cháu ông Hệ) quản lý.
Trong khi, Công ty TNHH BOT Cầu Rạch Miễu có hai cổ đông là CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII) và CTCP Thương mại Nước giải khát Khánh An.
Dữ liệu của PV cho thấy, tháng 4/2018, Nước giải khát Khánh An đã dùng vốn góp tại BOT Cầu Rạch Miễu để thế chấp tại LienVietPostBank.
Theo một nguồn tin, cả 2 khoản nợ mà nhóm công ty “út trọc” Đinh Ngọc Hệ bị LienVietPostBank rao bán đều được một doanh nghiệp có trụ sở ở TP.HCM mua lại. Giá trị thương vụ không được tiết lộ.
Chiếm dụng hàng trăm tỷ đồng vốn của LienVietPostBank
Theo hồ sơ của cơ quan điều tra, nhóm công ty của ông Đinh Ngọc Hệ dùng hồ sơ giả để vay vốn rồi chiếm dụng vốn của nhiều ngân hàng.
Cụ thể, hồi tháng 4/2019, Thanh tra Chính phủ có văn bản số 531 thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật, đối với một số dự án đầu tư, xây dựng có liên quan đến Công ty Thái Sơn Bộ Q.P.
Thông báo kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, việc thực hiện các dự án đầu tư, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, tài liệu (Báo cáo tài chính, xác nhận của đơn vị kiểm toán, năng lực máy móc, thiết bị, nhân công, kinh nghiệm...) để xin vay vốn ngân hàng, tham gia dự thầu tại các dự án được thanh tra (Cầu Việt Trì mới, Quốc lộ 20...).
Đáng chú ý, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P lập hồ sơ giả gồm: Hồ sơ thiết kế, dự toán, bản nghiệp thu thanh toán, các hóa đơn GTGT tại công trình Tổng kho bia Sài Gòn tại Z11 để rút vốn vay tại 2 ngân hàng với tổng số tiền 305 tỷ đồng, trong đó có LienVietPostBank chi nhánh Sài Gòn.
Ngoài ra, công ty của ông Hệ còn chiếm dụng vốn 187 tỷ đồng tại LienVietPostBank chi nhánh Chợ Lớn.
Nhiều dấu hỏi đặt ra là LienVietPostBank có kiểm tra hồ sơ của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P khi cho vay vốn dẫn đến bị chiếm dụng vốn?
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm