Theo thông tin trên VTV News, Viện Vật lý địa cầu (Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) cho biết, trong khoảng từ 0h55 đến 4h12 ngày 21/4, tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum liên tiếp xảy ra 3 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 3,2, độ sâu chấn tiêu khoảng 8km.
Cụ thể, trận 1 xuất hiện lúc 0 giờ 55 phút 28 giây có độ lớn 3,2. Trận 2 xuất hiện lúc 01 giờ 05 phút 23 giây có độ lớn 2,9. Trận 3 xuất hiện lúc 04 giờ 12 phút 48 giây có độ lớn 2,5. Đây đều là những trận động đất mức độ rất nhẹ, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Tâm chấn trận động đất mới nhất xảy ra sáng nay ở Kon Tum. Ảnh: Tiền Phong
Trước đó, như Dân trí đưa tin, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu cho biết, từ 6h-12h45 ngày 18/4, tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) xảy ra 4 trận động đất liên tiếp.
Theo đó, lúc 6 giờ 13 phút sáng, một trận động đất có độ lớn 2,5 độ richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.876 độ vĩ Bắc, 108.192 độ kinh Đông; độ sâu chấn tiêu khoảng 8 km. Khoảng 6 giờ 22 phút và 11 giờ 57 phút có 2 trận động đất 2,9 độ richter và 2,6 độ richter. Độ sâu chấn tiêu khoảng từ 8-12 km. Các trận động đất đều chung cấp độ rủi ro thiên tai là 0.
Đến 12 giờ 45 phút trưa cùng ngày, tiếp tục xảy ra trận động đất có độ lớn 4,5 độ richter ở vị trí có tọa độ 14.713 độ vĩ Bắc, 108.468 độ kinh Đông; độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km. Khi trận động đất này xảy ra, các tỉnh vùng ven như Gia Lai, Đắk Lắk và các tỉnh giáp ranh với Kon Tum đều cảm nhận sự rung lắc nhẹ.
Nguồn tin trên báo Tiền Phong được biết, theo thống kê của Viện Vật lý địa cầu, chỉ tính từ tháng 4/2021 đến nay, khu vực Kon Plông đã ghi nhận hơn 170 trận động đất, gấp hơn 5 lần tổng số động đất xảy ra trong suốt thời gian từ năm 1903 đến 2020.
Không chỉ gia tăng về tần suất, động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông còn có xu hướng mạnh dần. Trong đó trận động đất ngày 18/4 có độ lớn 4.5, là trận động đất lớn nhất ở khu vực này từ trước đến nay.
Lý giải về động đất liên tiếp ở Kon Tum, TS Lê Huy Minh - Viện Vật lý địa cầu cho rằng, khu vực Kon Tum là nơi ít ghi nhận các trận động đất. Vì vậy, động đất liên tiếp ở khu vực này có thể là động đất kích thích, xảy ra khi có sự tác động của hồ chứa thủy điện tích nước lên đới đứt gãy hoạt động trong khu vực.
PGS.TS Cao Đình Triều - chuyên gia động đất cho rằng, khu vực xảy ra động đất nằm trên đứt gãy đang hoạt động có tên Rào Quán – A Lưới, đây là đới đứt gãy mạnh, chạy từ Lào, qua A Lưới, kéo dài tới Quy Nhơn. Trên đới đứt gãy này từng ghi nhận động đất kích thích xảy ra tại thủy điện sông Tranh 2 (Quảng Nam) và thủy điện Đắk Đrinh (Quảng Ngãi) khi các nhà máy này hoạt động tích nước hồ chứa.
Trong đó, tại thủy điện sông Tranh 2, động đất xảy ra từ năm 2011, kéo dài đến tận bây giờ với kích động chính lên tới 4,7 độ, từng gây ra nhiều lo ngại và xáo trộn thời gian dài trong đời sống người dân các huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam). Tại Thủy điện Đắk Đrinh, động đất kích thích xảy ra thời gian ngắn hơn, cường độ và tần suất ít hơn.
Do đó, theo PGS Triều, động đất ở Kon Tum là động đất kích thích, thời điểm xảy ra động đất cũng trùng với thời điểm Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum đặt tại huyện Kon Plông vận hành và phát điện tổ máy số 1 vào 24/3/2021.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm