Báo cáo soát xét không có nhiều thay đổi về chỉ tiêu tài chính và kết quả kinh doanh so với báo cáo tài chính tự lập. Đơn vị kiểm toán nhấn mạnh đến hết 30/6, khoản nợ ngắn hạn của hãng hàng không đã vượt quá tài sản ngắn hạn, với số tiền là 36.425 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 4.897 tỷ đồng. Các khoản phải trả quá hạn của Vietnam Airlines hơn 14.850 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines đạt doanh thu hơn 30.000 tỷ đồng, cao gấp đôi cùng kỳ. Nhưng do giá nhiên liệu tăng cao và nhiều đường bay quốc tế chưa được mở lại, công ty vẫn lỗ khoảng 5.100 tỷ đồng, giảm hơn 3.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến 30/6, Vietnam Airlines lỗ khoảng 28.900 tỷ đồng.
Tốc độ tăng doanh thu và thu nhập khác của 6 tháng đầu năm 2022 tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng chi phí dẫn đến công ty mẹ giảm lỗ gần 3.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Lỗ sau thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ do giảm lỗ công ty mẹ và các công ty con như Skypec, Vaeco, Viags… đều kinh doanh có lãi.
Hãng bay cho biết số lỗ sau thuế 6 tháng đầu năm giảm 39% so với cùng kỳ và đang trong lộ trình giảm (lỗ quý sau giảm so với lỗ quý trước). Đây là kết quả bước đầu sau khi công ty chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do dịch Covid-19, cải thiện kết quả sản xuất kinh doanh và bổ sung nguồn vốn, dòng tiền cho doanh nghiệp.
Do thị trường vận chuyển quốc tế vẫn đang phục hồi chậm, cộng thêm một số yếu tố tiêu cực phát sinh như xung đột chiến tranh Nga - Ukraine và các rủi ro tài chính gia tăng nên hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục bị thua lỗ trong quý II và 6 tháng đầu năm. Theo dự báo, thị trường quốc tế sẽ từng bước được hồi phục, hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines sẽ có kết quả tích cực hơn vào nửa cuối 2022 và năm 2023.
Vietnam Airlines đã hoàn thành đề án cơ cấu lại tổng công ty giai đoạn 2021-2025, đã báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đề án, năm 2022, công ty sẽ thực hiện đồng bộ 3 giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất.
Trước hết, Vietnam Airlines sẽ cải thiện kết quả kinh doanh vận tải hàng không, sử dụng hiệu quả năng lực sản xuất để không đẩy lỗ lũy kế tăng cao trong giai đoạn thị trường chưa phục hồi hoàn toàn và tiến tới có lãi trong các năm sau.
Thứ hai là tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền. Cuối cùng là chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về nguồn vốn, hãng đã ký hợp đồng vay và được giải ngân 4.000 tỷ đồng, thời hạn trả nợ có thể kéo dài đến năm 2024. Ngoài ra, công ty đang đàm phán thêm với các ngân hàng để có thêm hạn mức tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh. Đến giữa năm, tổng hạn mức Vietnam Airlines đã ký với các nhà băng khoảng hơn 18.500 tỷ đồng, trong đó phần chưa sử dụng khoảng 10.300 tỷ đồng.
Sau khi bị nhắc nhở, báo cáo soát xét 6 tháng của Vietnam Airlines đã thuyết minh cụ thể tiền lương và thù lao của ban tổng giám đốc, HĐQT và BKS.
Trong 6 đầu năm nay, Vietnam Airlines chi trả tiền lương và thù lao của ban tổng giám đốc, HĐQT và BKS tổng cộng 4.1 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ (2,3 tỷ đồng). Trong đó, ông Lê Hồng Hà, Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc, và ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT, nhận cao nhất với lần lượt hơn 466 triệu đồng và gần 414 triệu đồng.
Nhìn lại các năm 2019, 2020 và 2021, số tiền thù lao và lương mà Vietnam Airlines chi trả cho ban tổng giám đốc, HĐQT và BKS đạt lần lượt 13 tỷ đồng, 6.5 tỷ đồng và 8 tỷ đồng.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm