Thực tế, 6 tháng đầu năm, giá cả thị trường biến động theo quy luật hàng tăng vào những tháng đầu năm do trùng với thời điểm Tết. Đến tháng 4 - 5/2024, giá các mặt hàng cơ bản ổn định trở lại, nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu của người dân không cao nên mặt bằng giá nhìn chung ít biến động. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 2,78%.
Về điều hành giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, đối với giá xăng dầu, cơ bản không có nhiều biến động. Tính đến ngày 6/6, giá các mặt hàng xăng dầu đã qua 23 kỳ điều hành giá. Giá xăng dầu trong nước cơ bản có xu hướng tăng trong 4 tháng đầu năm sau đó giảm trở lại từ cuối tháng 4 cho đến nay về mức giá gần tương đương so với đầu năm.
Đối với mặt hàng điện, giá bán lẻ điện bình quân sau khi được điều chỉnh 2 lần trong năm 2023 thì hiện ở mức là 2.006,79 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Dịch vụ vận tải, mặt bằng chung giá vé máy bay hiện đã giảm so với giai đoạn cao điểm trước. Giá vé (chưa gồm thuế, phí, dịch vụ tăng thêm…) của các hãng trong giai đoạn tháng 5/2024 trên các đường bay nội địa hạng phổ thông dao động khoảng 30 - 70% mức tối đa theo quy định.
Giá mặt hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, như giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tháng 5 so tháng trước, giá lợn hơi tăng từ 3-10%, giá thịt gà công nghiệp tăng trong khi giá thịt bò hơi ổn định, giá một số loại rau xanh tăng do nhu cầu tiêu thụ mạnh…
Với mức tăng CPI tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024, các diễn biến thị trường đúng theo quy luật thì Việt Nam có thể kiểm soát tốt lạm phát.
Dù vậy, không ít ý kiến nhận định, trước tác động mạnh mẽ từ nhiều chiều đã nảy sinh những vấn đề ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô nước ta từ nay đến cuối năm. Thời gian tới, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại. Ở trong nước, bên cạnh các thuận lợi được kế thừa từ các năm trước, nền kinh tế đang phải chịu “tác động tiêu cực kép” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là trong điều hành kinh tế vĩ mô, vừa phải kiểm soát lạm phát, vừa phải thúc đẩy tăng trưởng.
Trước thực trạng nêu trên, để hỗ trợ và thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, khai thác các tiềm năng và tạo các nguồn động lực mới, đảm bảo thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, ThS. Vũ Thị Huyền Trang, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính nhận định, công tác điều hành chính sách cần ưu tiên chú trọng đảm bảo ổn định vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.
Trong đó, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của Ban Chỉ đạo điều hành giá trong điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chủ động phối hợp chặt chẽ và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và quản lý giá nhằm đảm bảo thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
“Tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường từng mặt hàng, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Chủ động rà soát các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường; đánh giá kĩ tác động đối với mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều chỉnh giá phù hợp”, ThS. Vũ Thị Huyền Trang nhấn mạnh.
Đồng thời, theo chuyên gia này, cần đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó trong trường hợp các hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao để điều hành sản xuất trong nước, cân đối và điều hành cung - cầu, góp phần giữ ổn định giá cả thị trường.
Liên quan đến vấn đề này, để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong các tháng còn lại của năm 2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, trong thời gian còn lại của năm 2024, Bộ Tài chính phải chủ động theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình kinh tế thế giới và căng thẳng địa chính trị, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước; thực hiện kịch bản ứng phó phù hợp, kịp thời, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong giới hạn 4 - 4,5% trong mọi tình huống.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần có lộ trình đánh giá mức độ, thời gian điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
"Hạn chót đưa ra là hết tháng 6 phải có kịch bản điều hành giá trong đó có thời điểm, mức độ điều chỉnh giá 3 mặt hàng đó là: giá điện, giá dịch vụ y tế và giáo dục. Không đảm bảo thời gian và nếu để tác động đến CPI, các bộ, ngành phải chịu trách nhiệm", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát kỹ các yếu tố hình thành giá, phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá kỹ tác động đối với kinh tế - xã hội, mặt bằng giá. Trên cơ sở đó, chủ động có phương án điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét phương án điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt hàng giá thị trường theo đúng quy định với mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế…
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm