Kẹo rau củ Kera chứa 33% Sorbitol - nguyên liệu làm thuốc xổ: Đánh vào tâm lý thay đổi lối sống khó hơn uống một viên thuốc
Ngày 4/4, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "sản xuất hàng giả là thực phẩm" và "lừa dối khách hàng" xảy ra tại Công ty cổ phần Asia life, Công ty cổ phần tập đoàn Chị em rọt và một số công ty xảy ra tại TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Đắk Lắk. Trong số 5 bị can bị khởi tố, có Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đọc lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Ảnh: Bộ Công an
Cơ quan điều tra đã xác định sản phẩm thực phẩm bổ sung thường được gọi là Kẹo Kera do công ty Asia Life sản xuất là hàng giả. Từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 3 năm nay, Công ty Asia Life sản xuất hơn 160.000 hộp cho Công ty CP Tập đoàn Chị em rọt, trong đó đã có 135.000 hộp kẹo Kera đã được bán ra thị trường. Quá trình điều tra, lực lượng chức năng đã phát hiện sản phẩm này còn chứa hơn hơn 33% là chất Sorbitol - chất làm thuốc xổ.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Hà Nội) cho biết, táo bón là nỗi sợ hãi của nhiều người. Trong cuộc sống hiện đại, vì nhiều lý do mà chế độ ăn ít chất xơ, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, lười vận động, uống ít nước nên tỷ lệ táo bón càng tăng hơn. Các khuyến nghị dinh dưỡng đều hướng tới bổ sung chất xơ để giảm táo bón nhưng nhiều người lại không thích ăn rau, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Kẹo Kera được quảng cáo trên trang web công ty. Ảnh minh hoạ
Theo bác sĩ Hưng, tại phòng khám của ông hay gặp tình huống người dân than thở: “Làm sao để con em ăn được nhiều rau?”, “Tôi muốn bổ sung chất xơ nhưng không thích ăn rau”… Do đó, nhiều người có xu hướng tìm tới các loại thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ, chống táo bón.
“Đánh vào tâm lý thay đổi lối sống khó hơn uống một viên thuốc, người bán hàng đã đưa ra các sản phẩm quảng cáo xử lý các vấn đề này. Không riêng gì đối với trường hợp táo bón, tôi gặp các bệnh nhân béo phì, đái tháo đường... đều có tâm lý ngại thay đổi lối sống, chế độ ăn uống và muốn bác sĩ cho đơn uống thuốc hay bổ sung viên thực phẩm chức năng dễ dàng hơn”, bác sĩ Hưng chia sẻ.
Đối với sản phẩm kẹo rau củ Kera (Công ty cổ phần Chị em rọt) được quảng cáo là cung cấp chất xơ "1 viên kẹo bằng đĩa rau", bác sĩ Hưng cho rằng, người bán đánh vào tâm lý sợ táo bón và được giải quyết nhanh chóng lại đơn giản bằng ăn kẹo.
Giải quyết bằng "thuốc xổ", chuyên gia cảnh báo gì?
Đồng quan điểm trên, Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng, Trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, Sorbitol là chất tạo ngọt phân tử cao không phải đường mía. Sorbitol được định nghĩa là đường rượu (polyol), ngọt 60% so với đường sucrose nhưng ít calo hơn, chỉ 2,6 kcal/g so với 4 kcal/g của đường thường. Vì vậy, chất này được khuyến cáo dùng cho người bệnh đái tháo đường ở mức độ vừa phải, không gây hại cho sức khỏe con người.
Ngoài ra, Sorbitol được xem là chất nhuận tràng thẩm thấu, khi vào ruột sẽ kéo nước, làm mềm phân và kích thích nhu động ruột, hỗ trợ điều trị táo bón.
"Ngay từ khi có thông tin lùm xùm liên quan đến quảng cáo kẹo rau củ Kera, tôi đã nghi ngờ khả năng có chất này trong sản phẩm để tăng vi sinh vật trong đường ruột giúp nhuận tràng, người dùng sẽ có cảm giác giống như chất xơ", Phó giáo sư Dũng nói.
Hộp kẹo rau củ Kera. Ảnh: Công ty công bố
Việc đưa chất Sorbitol vào trong sản phẩm kẹo Kera quảng cáo làm từ rau củ mà không công bố trên nhãn mác có thể không có hại ngay nhưng đó là gian lận thương mại. Ngoài ra, Phó giáo sư Dũng cho rằng, đưa các chất vào thành phần sản phẩm mà không đề trên nhãn mác là hành vi nên cấm bởi có những người dị ứng với các chất đó.
Kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia (Bộ Y tế) đã phát hiện kẹo rau củ Kera chứa Sorbitol - một chất tạo ngọt nhân tạo và được coi như “thuốc xổ” với hàm lượng rất cao 33,4g/100g (33%).
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ - từng là nghiên cứu y sinh tại City of Hope (Mỹ) cho biết, Sorbitol thuộc nhóm “rượu đường”, hay còn gọi là polyol. Tuy có vị ngọt nhưng không giống đường bình thường và không dễ phân hủy bằng các enzyme nên cơ thể ít hấp thụ. Sorbitol ngoài tác dụng tạo ngọt còn “trị táo bón” nhờ khả năng hấp thu nước. Khi đến ruột già, tác dụng “kéo nước” của chất này giúp làm mềm phân.
Chất rượu đường còn được lên men bởi vi khuẩn trong ruột già, tạo ra khí và axit béo chuỗi ngắn dẫn đến đầy hơi, kích thích nhu động ruột. Như vậy, người sử dụng kẹo rau củ Kera cảm nhận “chất xơ” trong kẹo có tác dụng với cơ quan tiêu hóa ngay.
Sorbitol là thành phần chính của một số loại thuốc giúp “nhuận tràng” nhưng tiêu thụ quá liều gây rắc rối cho cơ thể. Người lớn tiêu thụ 5-20g/ngày có thể gây ra các triệu chứng đầy hơi, chướng và đau bụng; từ 20-50 g có thể gây tiêu chảy.
Đến nay, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) yêu cầu các sản phẩm thực phẩm có chứa Sorbitol phải ghi rõ trên nhãn và có dòng cảnh báo tiêu thụ quá nhiều có thể gây tác dụng nhuận tràng.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ cho biết, lượng Sorbitol trong rau củ Kera tương đương 1g/viên nếu khách hàng ăn khoảng 20 viên kẹo/ngày có thể gây khó chịu nếu cơ thể nhạy cảm với chất này.
Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Hưng khuyến cáo thêm, thực phẩm chức năng bán trên mạng hiện nay vẫn là một vấn đề nhức nhối khi người tiêu dùng không thể biết được sản phẩm sản xuất như thế nào. Trong khi đó, người dân không có thói quen đọc nhãn mác, nguồn gốc, hay mua theo tâm lý đám đông mách bảo. Sản phẩm chỉ tốt khi nhà sản xuất đảm bảo đúng chất lượng cam kết.
Chuyên gia khuyên, mỗi người nên ăn ít nhất 200g trái cây và 300g rau xanh các loại, nên dùng thô, không xay, ép.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm