Ngày 29/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã ký công văn hỏa tốc gửi các bệnh viện, Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố liên quan công tác phân luồng, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi trong cơ sở khám chữa bệnh.
Lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu xây dựng, rà soát, cập nhật kế hoạch phòng, chống bệnh sởi trong cơ sở khám chữa bệnh, trong đó chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị trong tình huống gia tăng các trường hợp người nghi mắc sởi, người bệnh sởi đến khám bệnh và nhập viện, gia tăng các ca bệnh nặng, nguy kịch.
Cách ly, điều trị sởi tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm
Cùng đó, tổ chức phân luồng và bố trí khu khám riêng trong khoa khám bệnh cho người nghi mắc sởi và người bệnh sởi; Bố trí khu vực thu dung điều trị bệnh sởi cách ly tại khoa Truyền nhiễm, khoa Nhi hoặc các khu vực cách ly của các khoa lâm sàng.
"Đối với các ca bệnh sởi nặng cần phải điều trị hồi sức tích cực, bệnh viện bố trí khu vực điều trị tại khoa/đơn vị hồi sức tích cực, hoặc đơn vị/giường hồi sức tích cực trong khoa bệnh truyền nhiễm… và phải bảo đảm việc cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng lây nhiễm chéo", Bộ Y tế nhấn mạnh.
Cách phòng chống sởi. Ảnh: Bộ Y tế
Đặc biệt, Bộ Y tế yêu cầu hạn chế số lượng người thăm bệnh để phòng lây nhiễm trong cơ sở khám chữa bệnh và cộng đồng; Chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch ứng phó theo diễn biến tình hình bệnh sởi, phối hợp chặt chẽ giữa công tác khám chữa bệnh và dự phòng.
Bộ Y tế ghi nhận từ đầu năm đến ngày 20/3 đã có hơn 42.400 ca nghi sởi tại tất cả địa phương, trong đó hơn 4.000 ca xét nghiệm dương tính với sởi. Ít nhất 6 ca tử vong do sởi trong 3 tháng qua.
Nhằm ứng phó ca sởi tăng, Bộ Y tế đẩy mạnh tiêm vắc xin cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi tại 54 tỉnh, thành (trước đó, trẻ cần đủ 9 tháng tuổi mới được tiêm). Bộ Y tế yêu cầu các địa phương gấp rút hoàn thành tiêm chủng trước ngày 31/3.
GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) cho rằng, hiện bệnh sởi đang tăng ở nhiều khu vực trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Việc giao lưu, đi lại giữa các vùng, các địa phương là nguy cơ làm lây lan bệnh sởi. Chính vì vậy, để ngăn chặn dịch bệnh sởi, ngành y tế cần tập trung thực hiện 4 biện pháp trọng tâm.
Thứ nhất, nâng cao miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm vaccine phòng bệnh sởi một cách đầy đủ, đúng đối tượng, quản lý tốt đối tượng tiêm chủng, đặc biệt là ở những địa bàn di biến động dân cư, khó tiếp cận, chủ động phát hiện vùng lõm, tiến hành tiêm vét, tiêm bổ sung kịp thời.
Thứ hai, giám sát, phát hiện sớm để khoanh vùng, quản lý ca bệnh kịp thời.
Thứ ba, chống lây nhiễm trong cộng đồng thông qua vận động tiêm chủng, hướng dẫn phòng bệnh, tự theo dõi sức khỏe.
Thứ tư, chống lây nhiễm trong bệnh viện, việc chống lây nhiễm trong bệnh viện cần được thực hiện ngay với việc kiểm soát ca bệnh sởi nhập viện qua phân luồng, chẩn đoán sớm và chính xác, hạn chế người nhà/người chăm sóc tiếp xúc với ca bệnh, cách ly và điều trị.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm