Trắng đêm xuôi dòng suối Yến đi lễ chùa Hương
Đồng hồ điểm 0h sáng ngày 27/1 (tức mùng 6 Tết), trời Hà Nội đổ mưa nặng hạt kèm giá lạnh nhưng hàng nghìn người trong đó có cả trẻ nhỏ từ khắp các nơi đã đổ về Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương), huyện Mỹ Đức, Hà Nội để trẩy hội, cầu một năm nhiều sức khoẻ, gia đình sung túc, bình an… Hôm nay là ngày khai hội chùa Hương, lễ hội dài nhất miền Bắc với 3 tháng hoạt động.
Rạng sáng 27/1, trời Hà Nội đổ mưa nặng hạt kèm giá lạnh nhưng hàng nghìn người trong đó có cả trẻ nhỏ từ khắp các nơi đã đổ về Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương), huyện Mỹ Đức, Hà Nội để trẩy hội. Ảnh: Gia Khiêm
Càng gần sáng, lượng người đổ về chùa Hương mỗi lúc một đông. Với nhiều người, đi thuyền đêm từ sớm vào lễ chùa để có trải nghiệm và không ngần ngại mưa gió, lạnh giá. Nhiều du khách cho biết, do e ngại cảnh tắc sông, chen lấn trên đường nên đã về chùa Hương dâng lễ bái Phật từ rạng sáng.
Nhiều người háo hức lên thuyền xuôi dòng suối Yến vào chùa Hương. Ảnh: Gia Khiêm
Trao đổi với PV Dân Việt, anh Nguyễn Tuấn Anh (38 tuổi, ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội) chia sẻ, anh cùng hội bạn bè thân thiết hơn 10 người bắt đầu đi từ nhà lúc 20h tối. Đúng gần nửa đêm, đoàn của anh Tuấn Anh sau khi chuẩn bị đủ đồ lễ đã mặc áo mưa cùng nhau lên thuyền xuôi dòng suối Yến.
Cũng có nhiều du khách đi sớm để về sớm kịp bắt đầu ngày làm việc đầu tiên trong năm mới Quý Mão 2023. Ảnh: Gia Khiêm
Những chiếc thuyền chở đông đúc du khách. Ảnh: Gia Khiêm
"Mặc dù mưa nhưng trong lòng chúng tôi rất phấn chấn, vui vẻ. Đây cũng là một trải nghiệm khó quên với mọi người trong ngày đầu năm. Năm nào chúng tôi cũng đi chùa Hương thắp nhang cầu bình an, sức khoẻ nhưng hai năm vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên không đi được. Tôi hy vọng mọi người trong gia đình, bạn bè năm mới gặp nhiều may mắn", anh Tuấn Anh nói.
Vượt nghìn km ra Hà Nội đón Tết, đi lễ chùa Hương
Vượt quãng đường hàng nghìn km từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội đón Tết. Năm nay trước khi quay trở lại bắt đầu với công việc, vợ chồng chị Nguyễn Thị Huyền đã đi chùa Hương lễ hội.
Chị Nguyễn Thị Huyền từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội đón Tết và hào hứng đi chùa Hương. Ảnh: Gia Khiêm
"Tôi sợ ngày khai hội mọi người đi đông tắc sông, chen lấn trên đường nên đi từ sớm. Dù trời mưa rét nhưng đi cùng bạn bè tôi cũng cảm thấy phấn chấn. Tôi xin chúc mọi người năm mới nhiều may mắn, công việc thuận buồm xuôi gió, làm gì được nấy", chị Huyền vui vẻ nói.
Trải nghiệm không khí ngày khai hội chùa Hương từ sớm, bà Nguyễn Thị Loan (ở Hà Nội) cùng người thân đi từ rất sớm. Đoàn của bà Loan sau khi vào chùa dâng hương trở ra cũng đã quá nửa đêm.
Bà Nguyễn Thị Loan (ở Hà Nội) mong muốn tất cả mọi người trong gia đình thật nhiều sức khoẻ. Ảnh: Gia Khiêm
"Cảm xúc của tôi đi lễ chùa xong thấy thanh thản, năm nào gia đình tôi cũng đi, càng mưa càng nhiều lộc nên thấy phấn khởi. Tôi mong muốn tất cả mọi người trong gia đình thật nhiều sức khoẻ", bà Loan chia sẻ.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết, lễ hội diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 23/1 đến hết ngày 23/4 (tức từ ngày mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày 4 tháng 3 năm Quý Mão). Ngày khai hội là ngày 27/1/2023 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng), địa điểm Lễ khai hội tại sân chùa Thiên Trù, chùa Hương.
Mọi người mặc kín áo mưa để đỡ mưa lạnh. Từ bến Đục vào tới bến Trò (đường lên núi vào chùa Hương) mất khoảng 45 phút đến hơn 1 giờ tuỳ vào đò lớn hay nhỏ, đông hay không đông. Ảnh: Gia Khiêm
Ngay từ sáng 27/1, sẽ diễn ra chương trình biểu diễn của các đội rồng và đội trống xã Hương Sơn, Trưởng ban tổ chức lễ hội phát biểu khai mạc. Sau đó, Thượng Tọa Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương phát biểu ý kiến, đánh trống khai hội và dâng hương cầu nguyện quốc thái dân an. Tiếp đó khai trương triển lãm giới thiệu hình ảnh giá trị về di tích thắng cảnh chùa Hương tại khu nhà triển lãm hữu vu. Kết thúc buổi lễ là đưa khách từ bến Thiên trù về bến Yến.
Ông Hiển cho hay, điểm đổi mới năm nay đó là hình thức bán vé thăm quan và vé xuồng lễ hội năm 2023 từ vé truyền thống sang mô hình bán vé điện tử.
"Đến nay chúng tôi đã in vé hóa đơn điện tử và lắp đặt hoàn thiện mới hệ thống kiểm soát vé qua mã vạch QR Code với 10 lối kiểm soát vé, đồng thời tổ chức tập huấn cho đội ngũ viên chức Ban quản lý di tích, thắng cảnh Hương Sơn thực hành hệ thống kiểm soát vé, đảm bảo thành thạo kỹ năng và công tác phối hợp giữa các công đoạn phối hợp được thuần thục, sẵn sàng đi vào hoạt động tại Lễ hội chùa Hương năm 2023.
Chúng tôi vận hành thử nghiệm dịch vụ xe điện phục vụ đưa, đón du khách theo 3 hướng tuyến: Từ bến xe Hội Xá đến bến đò Yến Vỹ, từ bến xe Đục Khê đến bến trượt đồng cừ (đối diện Đền Trình) và từ bến xe đường số 1 đến bến đò chùa Tuyết Sơn", ông Hiển nhấn mạnh.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm