Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ: 10 năm làm Thứ trưởng Bộ VHTTDL
Trong làng nghệ thuật phía Bắc, có 3 Nghệ sĩ Nhân dân từng đảm nhận chức Thứ trưởng Bộ VHTTDL, trong đó có Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ và Nghệ sĩ Nhân dân Vương Duy Biên. Sau khi về nghỉ hưu, cả hai còn đảm nhận những chức vụ quan trọng.
Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ là một tên tuổi của làng sân khấu Việt Nam. Ông được bổ nhiệm chức Thứ trưởng Bộ VHTTDL từ năm 2003 đến năm 2011. Ông cũng là Nghệ sĩ Nhân dân duy nhất kinh qua 2 nhiệm kỳ làm Thứ trưởng Bộ VHTTDL. Trước đó, ông từng giữ các cương vị: Giám đốc Nhà hát Tuồng (1996), Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn (2003). Nghỉ hưu, ông lại tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tròn 10 năm, từ năm 2009 đến năm 2019.
Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ. Ảnh: FBNV
Trong lịch sử phong tặng danh hiệu nghệ sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ cũng là người trẻ tuổi nhất được phong Nghệ sĩ Ưu tú đợt đầu tiên năm 1984, khi đó ông mới chỉ 30 tuổi. 9 năm sau (năm 1993), ông lại được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Trong 39 nghệ sĩ được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân đợt này, Lê Tiến Thọ là nghệ sĩ trẻ tuổi nhất làng sân khấu được cùng các bậc "lão tướng" như: Trần Bảng, Tào Mạt, Trọng Khôi, Mẫn Thu, Đàm Liên… và cùng sánh với các bậc "lão tướng" ở nhiều lĩnh vực khác, như: Nguyễn Văn Thương, Đặng Nhật Minh, Nguyễn Huy Thành, Nguyễn Văn Thông, Tường Vy, Lê Dung… nhận danh hiệu cao quý này.
Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ sinh năm 1951 trong một gia đình có 7 anh chị em ở Thanh Hóa. Nhờ có mẹ ủng hộ mà ông dám thi tuyển khi văn công và xa gia đình theo học Tuồng khi mới 13 tuổi. Tốt nghiệp loại Ưu trường Sân khấu Việt Nam, ông trở thành diễn viên của Đoàn Tuồng Bắc Trung ương.
Không chỉ tốt nghiệp qua trường lớp đào tạo diễn viên của Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nghệ sĩ Nhân dân Tiến Thọ còn may mắn được các thầy Tuồng nổi tiếng của Liên Khu 5 như: Nguyễn Nho Túy, Sáu Lai, Ngô Thị Liễu, Đinh Quả… tận tình chỉ bảo. Chính vì vậy mà ông đã am hiểu và nhuần nhuyễn cả hai dòng Tuồng miền Bắc, miền Trung.
Trong 15 năm làm diễn viên của Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ đã trải qua một quá trình khổ luyện và thành danh với hàng loạt vai: Triệu Đình Long, Kim Lân, Đào Phi Phụng, Lý Phụng Đình, Tô Vũ, Tư Đồ, Triệu Khuông Dẫn… Cặp đào kép Tiến Thọ - Mẫn Thu một thời từng làm khuynh đảo sân khấu tuồng miền Bắc.
Nghệ sĩ Lê Tiến Thọ và vợ là nghệ sĩ Vũ Thúy Ten. Ảnh: FBNV
Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ không đóng khung mình trong các vai tuồng cổ mà còn tung tẩy trong các vở kịch nổi tiếng thế giới như: Ôtenlô, Nhiếp Chính Bang… Với điện ảnh, ông cũng là một gương mặt sáng giá từng để lại nhiều ấn tượng qua những vai: Vua Minh Mạng trong bộ phim Minh Mạng; vai Bảng Trần trong phim sân khấu Thanh gươm cô đô đốc; vai cán bộ trong phim Đông Dương của Cộng hòa Pháp.
Năm 2012, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với vai trò đạo diễn hai vở Tuồng: Lý Chiêu Hoàng và Dũng khí Đặng Đại Độ.
Những kinh nghiệm, tâm huyết với nghệ thuật tuồng đã được Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ gửi vào cuốn sách Nghệ thuật biểu diễn Tuồng truyền thống, Dưới ánh đèn sân khấu và Những vai diễn của NSND Lê Tiến Thọ nhân nửa thế kỷ gắn với sân khấu (1964 - 2014)…
Tài năng của Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ được ghi nhận bằng "cơn mưa" giải thưởng qua các Hội diễn Sân khấu Chuyên nghiệp Toàn quốc: 10 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc. Ngoài ra, ông còn nhận giải thưởng đặc biệt đạo diễn vở tuồng Lý Chiêu Hoàng (1996), giải thưởng Văn học nghệ thuật TP.HCM (1999), giải thưởng Đào Tấn của tỉnh Bình Định (2002), giải thưởng Văn học nghệ thuật đạo diễn tác phẩm Nước non cửa Phật (2016); giải B cho đạo diễn, tác giả (Giải thưởng các tác phẩm sân khấu, 2017 của Hội Nghệ sĩ Sân khấu TP.HCM)…
Nghệ sĩ Nhân dân Vương Duy Biên: Thứ trưởng yêu nghệ thuật đến tận cùng
Nghệ sĩ Nhân dân Vương Duy Biên được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ VHTTDL từ năm 2012 đến năm 2018. Lĩnh vực phụ trách gồm Nghệ thuật biểu diễn; Điện ảnh; Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Quản lý Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Đơn vị trực tiếp phụ trách gồm: Cục Nghệ thuật biểu diễn; Cục Điện ảnh; Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Khối các Nhà hát; Khối triển lãm; Các đơn vị sự nghiệp Điện ảnh. Trước đó, ông từng đảm nhận chức Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn và Giám đốc Nhà hát Múa rối Trung ương.
Nghệ sĩ Nhân dân Vương Duy Biên thời còn làm Thứ trưởng Bộ VHTTDL. Ảnh: FBNV
Năm 2015, ông được Nhà nước phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân do đã đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế trong hoạt động của nghệ thuật múa rối với vai trò chỉ đạo nghệ thuật, đạo diễn, tác giả kịch bản, họa sĩ thiết kế - tạo hình múa rối.
Sau khi nghỉ hưu, Nghệ sĩ Nhân dân Vương Duy Biên vẫn miệt mài với công việc. Ông đảm nhận Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Triều Tiên.
Nghệ sĩ Nhân dân Vương Duy Biên sinh năm 1958 trong một gia đình có truyền thống văn hóa – nghệ thuật. Bố ông là Nhà phê bình mỹ thuật Vương Như Chiêm - nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; mẹ là nhà báo, nhà văn Lý Thị Trung - nguyên Tổng Biên tập báo Phụ nữ Thủ đô. Sinh trưởng trong bầu không khí học thuật đó nên tư chất nghệ sĩ của Vương Duy Biên bộc lộ từ sớm và cứ thế lớn mạnh dần lên...
Nghệ sĩ Nhân dân Vương Duy Biên theo học tại trường Mỹ thuật Việt Nam 10 năm liền, 5 năm học Điêu khắc, 5 năm học về Hội họa. Vừa tốt nghiệp năm 1987 thì năm 1989, ông đã gây tiếng vang lớn với giải Nhất tại Cuộc thi Mẫu tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tại Nam Định. Bức tượng đồng "Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn" được khánh thành tại TP Nam Định năm 2010.
Cho đến nay, gần 2 thập kỷ đã trôi qua, bức tượng đó đã trở thành "khuôn mẫu" trong sự hình dung của nhiều người về danh tướng Trần Hưng Đạo và đã được nhân bản ra rất nhiều công trình tâm linh - nghệ thuật trên mọi miền Tổ quốc. Sau bước ngoặt ấy, Nghệ sĩ Nhân dân Vương Duy Biên đã gieo hết mình cho niềm đam mê nghệ thuật với đủ các loại hình nghệ thuật: điêu khắc, hội họa, nghệ thuật trình diễn rối đến nghệ thuật sắp đặt.
Từ năm 1993, nghệ sĩ Nhân dân Vương Duy Biên đã tổ chức triển lãm tranh lụa cá nhân tại Hà Nội, được giới chuyên môn và công chúng yêu nghệ thuật đánh giá rất cao. Sau đó là hàng loạt những triển lãm cá nhân gây tiếng vang của được tổ chức ở Ba Lan, Nhật Bản, Pháp, Đức, Trung Quốc… Nghệ sĩ Nhân dân Vương Duy Biên còn là một nghệ sĩ nặng lòng với rối nước, có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát triển bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Sự tài hoa của ông được bộc lộ rõ nét khi đạo diễn vở múa rối "Hồn quê", một sự kết hợp tài tình, kỳ lạ giữa rối nước truyền thống với nghệ thuật sắp đặt hiện đại.
Nghệ sĩ Nhân dân Vương Duy Biên bên cạnh tượng đài Bác Hồ ở Phú Quốc. Ảnh: FBNV
"Tuy là một công chức Nhà nước, nhưng trước tiên tôi là một nghệ sĩ và thiên chức quan trọng nhất của tôi là sáng tạo tác phẩm. Để cấu thành tác phẩm, trước tiên là những rung động và sự thăng hoa của cảm xúc. Với tranh thường là những ký ức, những trải nghiệm về nông thôn Việt Nam, về người nông dân sống, sinh hoạt và lao động.
Với tượng là những tâm ý, tưởng tượng và dẫn giải những lý lẽ trong cuộc đời được đan xen, sắp xếp một cách dí dỏm. Mỗi tác phẩm đều mong tìm đến một triết lý nho nhỏ để ngẫm suy, đối thoại với người xem.
Và với một số tác phẩm biểu diễn lại là cảm nhận của thị giác và âm thanh được đan xen mạnh mẽ với những biểu đạt đậm chất mỹ thuật. Tôi luôn sống và sáng tạo với sự đam mê không ngừng, luôn muốn tìm tòi để đi đến những khác biệt với hôm qua", Nghệ sĩ Nhân dân Vương Duy Biên tâm sự.
Tháng 12/2019, ông còn làm làm tổng đạo diễn Lễ hội Múa rối TP.HCM lần 2 với chủ đề "Ước mơ xanh". Mới đây, hồi tháng 9/2024, Nghệ sĩ Nhân dân Vương Duy Biên được trao giải thưởng Đào Tấn với tác phẩm điêu khắc "Tác phẩm tượng đài Bác Hồ với miền Nam" ở đảo Phú Quốc, Kiên Giang. Tượng đài Bác Hồ đặt trên đảo Phú Quốc cao 20,7m, nặng 93 tấn bằng chất liệu hợp kim đồng vừa được hoàn thành dịp 19/5/2024.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm