Tuy nhiên, do chưa chọn được cây trồng phù hợp và cách làm thiếu chuẩn đã gây nên tình trạng lãng phí không hiệu quả.
Mô hình thiếu hiệu quả… dân không thiết tha
Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Hà Tĩnh được hỗ trợ hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà lưới, nhà màng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tập trung. Đến nay, nhiều công trình không phát huy hiệu quả, lãng phí vốn đầu tư.
Một năm về trước, ông Trịnh Văn Châu (xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) được đầu tư mô hình nhà lưới trên diện tích 320m2 với số tiền hơn 60 triệu đồng. Nguồn tiền này do UBND xã Cẩm Bình lồng ghép chính sách, hỗ trợ nhà lưới theo Nghị quyết của huyện, của xã, trong đó ngân sách huyện hỗ trợ 100.000 đồng/m2, ngân sách xã là 120.000 đồng/m2. Tuy nhiên, chỉ sau một vụ rau nhà lưới đã không còn hiệu quả, nông dân không mặn mà.
Mặc dù, đầu tư khá bài bản nhưng nhà lưới của ông Châu chỉ trồng được 1 vụ mướp, dưa chuột, rau cải… sau đó cây sinh bệnh, không phát triển được. Đến nay, toàn bộ lưới che tại nhà ông Châu đã rách nát, trơ khung. Một nhà lưới đã dỡ bớt cột, kèo để làm đất cho đỡ vướng.
“Tích cóp được ít tiền đổ hết vào nhà lưới nhưng trồng rau màu không hiệu quả. Tôi cảm thấy mô hình này thật sự không phù hợp nên đã nhiều lần có ý kiến lên cấp chính quyền dỡ nhà lưới để chúng tôi triển khai những mô hình trồng rau, củ, quả khác” – ông Châu kiến nghị.
Nhà lưới của hộ ông Nguyễn Văn Minh cũng tình trạng tương tự. Sau 1 vụ trồng rau, củ, quả nay còn trơ lại bộ khung sắt, với những tấm lưới rủ xuống ngả màu xám, tả tơi trong mưa gió. Trong nhà lưới của hộ ông Minh có một diện tích đất rất nhỏ trồng vài bụi chuối và vài luống rau xanh, số đất còn lại cỏ mọc um tùm.
Ông Minh cho biết, năm 2019, được huyện hỗ trợ hơn 70 triệu đồng làm nhà lưới. Gia đình phải bỏ ra 20 triệu đồng đối ứng, chưa kể tiền đầu tư lắp điện, nước…
“Được hỗ trợ thì dựng nhà lưới chứ mỗi năm thu vài chục triệu tiền rau, củ, quả chẳng đủ kinh phí mua lưới về sửa. Thực tế, đa phần đất của người dân phục vụ mô hình này hiện đều phải bỏ hoang, cỏ mọc cao tới đầu gối. Tiếc đất bỏ không nên một số người dân địa phương đã tự ý trồng lạc, ngô, khoai…” – ông Châu than thở.
Thực tế sau một, hai vụ đầu sản xuất hiệu quả, đến nay hầu hết nhà lưới bỏ không, rách nát. Nguyên nhân do bấp bênh, không hiệu quả từ mô hình, người nông dân bỏ ruộng đi làm công nhân. Cộng thêm thời tiết bất lợi, nhiều nắng, mưa gió nhiều khiến cây trồng sinh trưởng kém. Nhà lưới bị hỏng, người dân không bỏ kinh phí sửa chữa mà chỉ trông chờ vào chính quyền.
Kết đắng khi làm “ào ào”
Năm 2017, từ nguồn hỗ trợ của xã Kỳ Bắc (huyện Kỳ Anh) đã xây dựng được 7 mô hình nhà lưới trồng rau màu, diện tích nhỏ nhất là hơn 100m2, lớn nhất là 272m2, thế nhưng chỉ sau vài vụ rau nhà lưới đã tả tơi theo mưa nắng.
Ông Phan Chí Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Bắc (huyện Kỳ Anh), cho hay, với mô hình nhà lưới đối với khí hậu tại vùng đất Hà Tĩnh là một vấn đề cần được đặt ra, bởi không phải loại rau màu nào cũng có thể trồng trong mô hình nhà lưới, dẫn đến sau một thời gian ngắn không đưa lại hiệu quả kinh tế.
Theo thống kê sơ bộ, tại Hà Tĩnh có gần 250 nhà lưới, nhà màng tổng diện tích trên 11,6 ha với 9/13 huyện, thị, thành phố. Các mô hình này hầu hết được xây dựng từ nguồn hỗ trợ của huyện, của xã và lồng ghép một số chương trình hỗ trợ khác.
Trong số gần 250 nhà lưới, nhà màng của tỉnh thì có trên 100 nhà lưới, nhà màng trồng dưa, hoa các loại còn lại trồng hoa màu. Hiện, mô hình trồng dưa đưa lại hiệu quả khá tốt còn hoa màu phần đa kém hiệu quả, trong đó nhiều mô hình bỏ hoang.
Ông Đào Nghĩa Nhuận, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật nông nghiệp Hà Tĩnh, đánh giá: “Việc đưa khoa học kỹ thuật cao áp dụng vào nông nghiệp là một điều rất cần thiết, nhưng phải tính toán phù hợp. Cụ thể, trồng cây gì, chăm sóc ra sao và trồng trong điều kiện thời vụ, thời tiết như thế nào? Chứ không phải cứ làm ào ào.
Thấy ở đâu trồng hay lại đưa về Hà Tĩnh áp dụng, yêu cầu nhân dân thực hiện thì việc nhận “kết đắng” là điều khó tránh”. Ông Nhuận cũng khẳng định, một khi đã bỏ vốn, bỏ công sức ra để làm mô hình nhà lưới, nhà màng nhưng thất bại rồi thì khó vực dậy.
Tại Hà Tĩnh đã có nhiều huyện tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ phát triển nhà lưới giai đoạn 2021 – 2026 với mức cao hơn 150.000 đồng/m2 thay vì 100.000 đồng/m2 như trước đây. Cùng với đó, Sở NN&PTNT đang tham mưu để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ đối với việc phát triển mô hình nhà lưới, nhà màng trong giai đoạn mới.
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh cũng cho biết: Tỉnh đang thực hiện đề án thí nghiệm tỉnh nông thôn mới. Ủy ban tỉnh tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế một số chính sách, trong đó có các mô hình như nhà lưới, nhà màng để sản xuất các loại rau, củ, quả đảm bảo thân thiện với môi trường.
Về phía HĐND tỉnh sẽ tiếp tục khảo sát, giám sát để đánh giá hiệu quả của những chính sách và thẩm tra, thẩm định các nội dung mà UBND tỉnh trình để bảo đảm cho các chính sách đi vào cuộc sống và phát huy được hiệu quả.
Như vậy, thời gian tới với việc các cấp đều quan tâm ban hành cơ chế hỗ trợ thì chắc chắn số lượng nhà lưới sẽ nhanh chóng tăng thêm. Rõ ràng, không phủ nhận những lợi ích mà mô hình nhà lưới, nhà màng mang lại nhưng mô hình này chỉ có hiệu quả khi chọn cây trồng phù hợp khi người dân có tư duy nhanh, nhạy, có đam mê sản xuất, có liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm