Ảnh minh họa.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội ngày 24/10 cho biết, trong tuần qua, số mắc số xuất huyết trên địa bàn thành phố lại tiếp tục tăng mạnh với 1.420 ca (tăng 386 ca so với tuần trước đó) và có thêm 38 ổ dịch.
Cụ thể, trong tuần qua (tính từ ngày 14 đến 21/10), toàn thành phố ghi nhận 1.420 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã; trong đó bệnh nhân tập trung chủ yếu tại một số quận, huyện như: Đan Phượng (251 ca), Thanh Oai (142 ca), Phú Xuyên (89 ca), Nam Từ Liêm (79 ca), Đống Đa (63 ca).
Ngoài ra, tuần qua cũng ghi nhận thêm 38 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 16 quận, huyện: Thanh Oai (7), Thanh Trì (6), Bắc Từ Liêm (5), Đan Phượng (4), Đống Đa (2), Thanh Xuân (2), Phúc Thọ (2), Hoài Đức (2), Đông Anh (1), Hà Đông (1), Thạch Thất (1), Nam Từ Liêm (1), Hai Bà Trưng (1), Chương Mỹ (1), Mê Linh (1), Quốc Oai (1).
Như vậy, kể từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 8.199 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 5 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã và 517/579 xã, phường, thị trấn.
Cũng từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận 720 ổ dịch sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện tại còn 156 ổ dịch đang hoạt động tại 25 quận, huyện.
Theo báo cáo của Bộ Y tế cũng cho thấy, số ca mắc sốt xuất huyết và nhập viện tăng vọt so với những năm trước. Đơn cử tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), nếu như trong tháng 8, số bệnh nhân sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện chỉ 70 bệnh nhân, thì con số này tăng lên 160 bệnh nhân vào tháng 9 và từ đầu tháng 10 đến nay là 250 bệnh nhân.
Các bệnh nhân đến chủ yếu từ các quận, huyện của Hà Nội như Đan Phượng, Thường Tín, Hoài Đức, Long Biên… sau đó lan vào các quận như Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai…
Liên quan đến tình hình dịch sốt xuất huyết trên cả nước, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, hiện bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Chính vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế kêu gọi người dân dành 10 phút mỗi tuần để diệt bọ gậy, lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như thường xuyên lau rửa, đậy kín các bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng; thường xuyên thay nước lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào các vùng nước đọng, hốc nước có nguy cơ phát sinh lăng quăng; ngủ màn, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi để phòng muỗi đốt ....
Đặc biệt, khi phát hiện sốt cao 39-40 độ C đột ngột, liên tục, cần đi khám bệnh để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc điều trị phù hợp, không tự ý điều trị tại nhà. Dịch sốt xuất huyết bùng phát theo mùa, có tính chất chu kỳ. Do thời tiết thời gian qua nóng ẩm, kèm nhiều mưa là điều kiện thích hợp để loăng quăng, bọ gậy phát triển.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm