Lễ tổng kết và trao Giải thưởng công trình toán học xuất sắc năm 2023 thuộc Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030 (Chương trình Toán) được trao tặng 3 năm/1 lần là sự vinh danh, khuyến khích nhà khoa học có những công trình công bố chất lượng cao, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu của Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 đến 2030. Chương trình được sự ủy quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo và được Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (Viện NCCCT) đăng cai tổ chức.
Giải thưởng công trình Toán học xuất sắc giai đoạn 2021-2030 là sự kế thừa những thành công trước đó của thưởng công trình toán học xuất sắc thuộc Chương trình Toán giai đoạn 2010-2020. Ba điểm thay đổi quan trọng nhất của Giải thưởng Công trình Toán học xuất sắc giai đoạn này so với giai đoạn trước. Đây là Giải thưởng Khoa học công nghệ cấp Bộ, thực hiện 3 năm 1 lần (trước đây là xét thưởng hàng năm). Số lượng giải thưởng ít hơn - tối đa 3 năm 60 công trình (trước đây mỗi năm 100 công trình), và chỉ dành cho các công trình công bố trên tạp chí quốc tế uy tín cao. Mức thưởng cao hơn và được chia thành Giải Nhất, Giải Nhì và Giải Ba.
Phát biểu tại Lễ tổng kết và trao giải, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã bày tỏ vui mừng khi các thầy, cô đã vượt qua rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, trong công việc, vẫn giữ ngọn lửa đam mê với khoa học, đóng góp vào kho tàng tri thức, văn hoá của thế giới. Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng gửi lời cảm ơn đến các thành viên Hội đồng chấm giải thưởng vòng sơ khảo và chung khảo đã dành nhiều thời gian tâm huyết, làm việc công tâm để lựa chọn ra những công trình tiêu biểu và xứng đáng nhất.
Chia sẻ về giải thưởng cao quý, giảng viên Vũ Hữu Nhự cho biết: ”Đóng vai trò là tác giả công trình, tôi rất vinh dự khi nhận được giải thưởng này. Công trình này được nghiên cứu trong thời gian tác giả làm Postdoc tại Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM) dưới sự đồng ý của Trường Đại học Phenikaa, nơi tác giả công tác và giảng dạy. Với môi trường làm việc thuận lợi, sự quan tâm tạo điều kiện của Phenikaa, sự chia sẻ động viên của đồng nghiệp đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong thời gian tác giả hoàn thành công trình.”
Công trình của thầy Vũ Hữu Nhự mang tên mang tên Thuật toán Levenberg - Marquardt giải bài toán ngược đặt không chỉnh với ánh xạ xuôi có thể không trơn trong không gian Banach (Levenberg–Marquardt method for ill-posed inverse problems with possibly non-smooth forward mappings between Banach spaces) đã đăng trên tạp chí Inverse Problems (Theo trang web https://www.scimagojr.com/, năm 2022, tạp chí Inverse Problems là một tạp chí Q1 và có chỉ số H-index là 122).
Thầy Vũ Hữu Nhự giải thích: “Công trình nghiên cứu một thuật toán lặp để giải các bài toán ngược, ở đó hàm biểu thị mối quan hệ giữa dữ liệu quan sát được và đối tượng cần tìm (nghiệm) có thể là hàm không trơn (hàm không có đạo hàm). Một vấn đề thường gặp khi giải các bài toán ngược đó là tính không ổn định của mô hình toán học, có nghĩa là một sự thay đổi nhỏ của nhiễu trong dữ liệu quan sát được sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn của nghiệm. Do đó, đòi hỏi phải xây dựng thuật toán để tìm nghiệm (gần đúng) sao cho khi nhiễu dần triệt tiêu thì nghiệm gần đúng sẽ càng gần nghiệm chính xác.”
“Thuật toán Levenberg – Marquardt là thuật toán được đề xuất lần đầu tiên vào năm 1997 bởi nhà toán học Martin Hanke để giải các bài toán ngược trơn (bài toán ngược với hàm có đạo hàm liên tục) trong không gian Hilbert. Thuật toán này được mở rộng cho các bài toán ngược trơn trong không gian Banach năm 2016 bởi hai nhà toán học Qinian Jin và Hongqi Yang. Công trình đạt giải đã mở rộng kết quả trên cho lớp các bài toán ngược không trơn”, thầy Nhự chia sẻ.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm