Chênh lệch giá vàng kỷ lục, "đốt nóng" USD "chợ đen"
Theo phản ánh của Dân Việt, giá mua/bán USD trên thị trường tự do trở nên "đắt đỏ" trong những phiên giao dịch dịch của tuần này (từ ngày 10/10 đến nay).
Theo đó, tỷ giá mua vào/bán ra đang được niêm yết quanh mức 23.280 đồng/USD và 23.350 VND/USD, tăng 75 đồng chiều mua và 145 đồng chiều bán sau 3 ngày.
Với mức tăng này, chênh lệch giá mua/bán USD trên thị trường tự do nới rộng từ 30 VND/USD lên 70 VND/USD.
Chênh lệch giá vàng kỷ lục, "đốt nóng" USD "chợ đen". (Ảnh: TBKD)
Trong khi đó, tại các ngân hàng thương mại giá mua/bán USD gần như đi ngang. Như tại Vietcombank, giá mua/bán hiện lần lượt là 23.630 VND/USD và 23.860 VND/USD không đổi so với ngày đầu tuần 10/10.
Như vậy, so với tỷ giá niêm yết tại Vietcombank, giá mua vào USD tại "chợ đen" cao hơn 650 đồng và bán ra "đắt" hơn 490 VND/USD.
Lý giải nguyên nhân, TS.Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, việc đồng USD "nóng" lên trên thị trường tự do những ngày qua có thể một phần nguyên nhân là do tác động từ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đang duy trì ở mức cao.
"Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới cao, khiến cho nhu cầu nhập lậu vàng tăng lên, đẩy giá USD tăng trên thị trường tự do", ông Lực nói với PV Dân Việt.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này quy mô "chợ đen" hiện nay nhỏ hơn trước rất nhiều nên không có tác động gì lớn so với mặt bằng chung về tỷ giá. Về cơ bản cán cân ngoại tệ vẫn đang ổn định, hiện nay kinh doanh vàng tại Việt Nam cũng không hiệu quả vì vậy nhà đầu tư không quan tâm nhiều như trước đây. Do đó, nhu cầu USD tự do giả sử có nhưng cũng sẽ không quá lớn.
Giá vàng hôm nay (14/10) vẫn duy trì quanh ngưỡng 58 triệu đồng/lượng. (Ảnh: Q.D)
Thực tế, kể từ tháng 6, vàng đã bị mắc kẹt trong xu hướng giảm, khi USD mạnh hơn và lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ cao hơn gây áp lực lên giá vàng.
Trong khi giá vàng thế giới quay đầu giảm, giá vàng miếng liên tiếp duy trì đà tăng trong gần 1 tháng qua khiến cho khoảng cách giữa giá vàng SJC và thế giới rộng lên mức cao chưa từng có, có thời điểm lên tới gần 10 triệu đồng/lượng.
Giá vàng hôm nay 14/10 vẫn đang đứng ở mức cao. Giá vàng SJC được Công ty VNĐQ Sài Gòn được bán ra ở mức 58,070 triệu đồng/lượng, trong khi đó giá vàng thế giới quy đổi xấp xỉ 50 triệu đồng/lượng. Như vậy chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế vẫn duy trì trên 8 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế phí).
Trao đổi với PV Dân Việt, chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh cho biết, giá vàng trong nước và thế giới đang duy trì mức chênh lệch cao do nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, do chính sách nhập vàng bị hạn chế, dẫn tới khan hiếm nguồn cung vàng SJC. Từ đó, đẩy giá lên cao.
Hai là, so với cuối năm 2020, VND đã mạnh lên tới 1,5% tính đến hết tháng 9/2021. Như vậy, lượng vàng tồn kho trong năm ngoái của các doanh nghiệp vẫn nhập ở mức giá cao.
Đơn cử như tại PNJ, tính đến cuối năm 2020 mặc dù công ty đã giảm gần 500 tỷ đồng hàng tồn kho, song giá trị hàng tồn khi của PNJ vẫn ở mức cao lên tới 6.545 tỷ đồng, sau khi tăng tới hơn 2.062 tỷ đồng trong năm 2019. Hàng tồn kho chiếm 3/4 trong cơ cấu tổng tài sản của công ty.
Đặt trong bối cảnh nguồn cung còn khan hiếm, giá vàng thế giới dù sụt giảm mạnh các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước cũng không dễ gì kéo giá vàng xuống theo đà giảm của giá vàng thế giới.
Hơn nữa, khi lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp và không còn nhiều sức hấp dẫn với người dân, các kênh đầu tư khác như bất động sản thường phải cần luồng vốn rất lớn, chứng khoán nhiều rủi ro do thị trường lên xuống thất thường, nhiều người có thể sẽ chọn vàng làm kênh trú ẩn an toàn.
Thống kê của công ty VBĐQ Bảo Tín Minh Châu cũng cho thấy, giá vàng trong nước tăng nhưng lượng khách mua vào vẫn chiếm đến 55%, nhiều hơn khách bán ra (45%).
Tiếp tục điều hành ổn định tỷ giá chứ không cố định
Liên quan đến thị trường ngoại hối, tại buổi họp báo của Ngân hàng Nhà nước thông tin về điều hành chính sách tiền tệ quý III/2021, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú thừa nhận, chính sách tỷ giá vô cùng quan trọng, quyết định lớn đến sự ổn định của giá trị đồng tiền khi so sánh với những đồng tiền khác trong rổ tiền tệ.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú. (Ảnh: SBV)
Hiện Việt Nam có độ mở kinh tế cao, quan hệ giao thương với nhiều quốc gia trên thế giới, cùng với đó, các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng hoá.
"Vừa rồi tăng trưởng GDP có thể thấp, nhưng ổn định tỷ giá là điều kiện vô cùng tuyệt vời cho doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp FDI để họ yên tâm sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Ngược lại tỷ giá mà bấp bênh lên xuống thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất e ngại. Vì thế chính phủ rất quan tâm và có quỹ dự trữ ngoại hối 100 tỷ USD để làm nền tảng tạo ra sự điều hành tỷ giá được ổn định", Phó Thống đốc cho hay.
Về chính sách điều hành tỷ giá của Việt Nam trong thời gian tới, theo Phó Thống đốc quan điểm của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành ổn định tỷ giá chứ không cố định.
Hiện nay, điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước xác định theo tỷ giá trung tâm cho phép Ngân hàng Nhà nước chủ động trong việc xác định tỷ giá, nhưng cũng không "đi chệch" theo tín hiệu thị trường, đảm bảo trạng thái ngoại tệ của nền kinh tế. Các ngân hàng thương mại cũng đảm bảo cân đối lượng ngoại tệ vào – ra hài hoà, đồng thời vẫn tiếp tục tăng được quỹ dự trữ ngoại hối nhà nước và cũng không làm ảnh hưởng đến giá trị đồng tiền Việt Nam.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm