Tại buổi chia sẻ về chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở trường Tiểu học, THCS và THPT Nguyễn Siêu vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã thông tin sơ bộ về dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, từ nay đến năm học 2023-2024, các kỳ thi vẫn ổn định vì học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Tuy nhiên, từ năm 2025, lứa học sinh THPT đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp. Vì thế, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được đổi mới cho phù hợp
Về số môn thi từ năm 2025, Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu xây dựng và trình Chính phủ xin ý kiến. Trong chương trình Giáo dục phổ thông mới, học sinh học 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục Quốc phòng và An ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương. Thi tốt nghiệp sẽ tập trung vào bốn môn bắt buộc là Toán, Văn, Lịch Sử và Ngoại ngữ.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng đang cân nhắc đưa vào kỳ thi tốt nghiệp các môn học tự chọn, sao cho phù hợp, đảm bảo việc tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học.
Về lịch thi tốt nghiệp THPT 2023, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ sớm hơn so với năm 2022, dự kiến vào tuần cuối tháng 6 thay vì vào tháng 7. Theo đó, kế hoạch tuyển sinh 2023 sẽ được công bố trong tháng 2, sớm hơn mọi năm để thí sinh có thể kịp bắt đầu năm học từ tháng 9/2023. Lịch tuyển sinh của các trường đại học cũng được đẩy lên sớm hơn để trong tháng 9 có thể cho sinh viên nhập học.
Chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành năm 2018 được chia làm hai giai đoạn, gồm giáo dục cơ bản (lớp 1 đến 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 đến 12). Ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp, chương trình yêu cầu học bảy môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Lịch sử là môn lựa chọn, học sinh được tùy chọn học hay không theo sở thích và định hướng nghề nghiệp. Nhưng khi triển khai với lớp 10 từ năm học 2022-2023, chương trình vấp phải tranh cãi về môn Lịch sử. Cuối tháng 6/2022, Quốc hội yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiên cứu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội trong việc thiết kế môn Lịch sử ở chương trình THPT. Vào giữa tháng 7/2022, Bộ GD&ĐT ra quyết định điều chỉnh chương trình giáo dục phổ thông mới. Thay vì là môn lựa chọn, Lịch sử trở thành môn bắt buộc với 52 tiết mỗi năm ở lớp 10, 11, 12. |
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm