Vietnamnet đưa tin khung kế hoạch năm học 2024-2025 của Bộ GD&ĐT mới công bố: việc xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp THCS trước ngày 30/6/2025. Hoàn thành tuyển sinh các lớp đầu cấp trước ngày 31/7/2025.
Thi tốt nghiệp THPT 2025 dự kiến diễn ra trong ngày 26 và 27/6/2025, sớm hơn năm học 2023-2024 một ngày.
Học sinh lớp 12 năm học 2024-2025 là lứa đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới (chương trình 2018). Học sinh sẽ thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Trong đó, Ngữ văn theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 vừa qua được tổ chức với 6 môn: Toán, Văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học Xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân). Như vậy, kỳ thi năm 2025 sẽ giảm hai môn và số buổi thi sẽ ít đi.
Trao đổi trên báo điện tử Dân Việt, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: kỳ thi năm 2025 sẽ khác vì ngữ liệu sẽ có trong nhiều bộ sách giáo khoa hoặc bên ngoài nhằm giúp các em phát huy phẩm chất chứ không phải học tủ, học lệch, đoán đề. Kỳ thi sẽ đảm bảo giảm áp lực, giảm thời gian, giảm tốn kém nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cho các trường đại học sử dụng, tạo điều kiện cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn sử dụng kết quả thi vì không có điều kiện, kinh tế để tham dự nhiều kỳ thi.
Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên đề thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới. (Ảnh minh họa,nguồn Internet)
Cũng theo khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025 do Bộ GD-ĐT vừa ban hành, lịch khai giảng năm học mới tổ chức vào ngày 5/9 như mọi năm.
Thời gian học sinh tựu trường sớm nhất trước một tuần so với ngày tổ chức khai giảng.
Riêng với lớp 1, học sinh tựu trường sớm nhất trước 2 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Học kỳ I kết thúc trước ngày 18/1/2025, hoàn thành chương trình và kết thúc năm học trước ngày 31/5/2025.
Theo Bộ GD-ĐT, các địa phương căn cứ vào khung kế hoạch năm học trên để xây dựng kế hoạch riêng, phù hợp với đặc điểm từng vùng miền, sao cho kế hoạch thời gian năm học của địa phương phải bảo đảm đủ 35 tuần thực học (học kỳ I có 18 tuần, học kỳ II có 17 tuần).
Các ngày nghỉ lễ, tết được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn hàng năm.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm