Hôm qua ngày 25/10, mạng xã hội xuất hiện bài đăng kèm video ghi lại cảnh một đoàn người đạp xe trên đường Võ Nguyên Giáp, hướng đi sân bay Nội Bài (H.Đông Anh, Hà Nội) lúc sáng sớm.
Đoàn người thản nhiên đạp xe đạp vào đường cấm. Ảnh chụp màn hình.
Theo đó, những người đạp xe này được trang bị đầy đủ mũ, áo, xe đạp trông giống như những vận động viên đua xe đạp nhưng lại không tuân thủ an toàn về giao thông đường bộ. Bởi họ đã cố tình đi vào đây tuyến đường dành riêng cho ô tô, tốc độ tối đa 80 - 90km/h, cấm người đi bộ và các phương tiện thô sơ, xe gắn máy.
Đoạn clip đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng, nhiều người tỏ ra bức xúc với hành động của nhóm người này.
Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên mọi người mới bắt gặp tình trạng đi sai làn đường như trên. Hồi tháng 9, cũng có một nhóm người vô tư đạp xe thể dục trên đoạn đường này làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc di chuyển của các phương tiện giao thông khác.
Đoàn người đạp xe đạp vào đường Võ Nguyên Giáp hồi tháng 9 vừa qua. Ảnh: Báo Thanh niên.
Ngày 11/7 vừa qua, theo báo điện tử VTV đưa tin, mạng xã hội cũng xuất hiện clip ghi lại hình ảnh nhóm người bất chấp đạp xe thể dục vào làn ô tô trên cao tốc đoạn đường Võ Nguyên Giáp hướng sân bay Nội Bài gây bức xúc. Ảnh: Báo điện tử VTV.
Họ thường viện lý do đạp xe vào 5 - 6h sáng ít xe qua lại để tránh mất an toàn giao thông. Tuy nhiên, đã là tránh thì không thể 100%, việc này khiến nhiều tài xế ô tô đi qua đây rất quan ngại vì sợ va phải.
Trao đổi với báo Thanh Niên, chỉ huy đội CSGT số 15 (thuộc Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội) cho biết, đơn vị này đã nhận được thông tin phản ánh. Bên cạnh đó, thời gian qua đội cũng thường xuyên tuần tra, xử lý.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng này”, chỉ huy đội CSGT số 15 cho hay.
Nói về vấn đề này trên báo Thanh niên, luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, đoàn người đạp xe vào làn đường cấm hay đường cao tốc là hành vi đe dọa an toàn giao thông khu vực và vi phạm luật giao thông đường bộ. Với hành vi trên, tùy theo tính chất, mức độ, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, theo quy định tại điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/ NĐ-CP thì người đạp xe vào đường cấm, đường cao tốc mà không phải người thực hiện quản lý, bảo trì đường cao tốc, nếu bị lực lượng chức năng phát hiện thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 400.000 - 600.000 đồng.
Nếu trong trường hợp gây ra thiệt hại nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “vi phạm quy định về giao thông đường bộ” và phải bồi thường thiệt hại nếu có.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm