Đề kiểm tra Văn giữa kỳ 1 lớp 10 ở TP.HCM gây tranh cãi
Mới đây, một trường THPT ở TP.HCM đã tổ chức kiểm tra giữa kỳ 1 năm học 2024-2025 cho học sinh lớp 10. Đề kiểm tra Văn giữa kỳ 1 lớp 10 này đã gây chú ý.
Theo đó, trong thời gian 45 phút, học sinh sẽ viết một bài văn nghị luận bàn về "Lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay".
Đề kiểm tra này rất đặc biệt bởi chỉ có duy nhất 1 dòng trong 1 trang A4 kèm theo lời ghi chú: "Học sinh không được sử dụng tài liệu. Giám thị coi thi không giải thích gì thêm".
Đề kiểm tra Văn giữa kỳ 1 lớp 10 ở TP.HCM gây tranh cãi. Ảnh: CMH
Ngay sau khi được chia sẻ, đề kiểm tra Văn giữa kỳ 1 lớp 10 ở TP.HCM đã nhận được nhiều bình luận từ cộng đồng mạng. Đa số phụ huynh khen ngợi vì đề thi theo chương trình mới ngắn gọn, mới lạ. Học sinh thì trêu đùa nhau vì chủ đề "lối sống phông bạt" rất gần gũi, dễ viết với các em. Trong khi đó nhiều giáo viên bất ngờ với đề thi này.
Giáo viên nhận xét đề thi
Trao đổi với PV báo Dân Việt, Ths Lê Văn Nguyên, giáo viên dạy Văn ở TP.HCM, nhận xét: "Lệnh hỏi của câu nghị luận này bám sát yêu cầu cần đạt của bài viết số 2 (học kỳ I) - "Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội". Vấn đề nghị luận có tính mới, bám sát với những vấn đề nóng đã và đang xảy ra của xã hội tạo hứng thú cho học sinh, thoát ly được các vấn đề viết hàn lâm, khuôn mẫu.
Tuy nhiên, có một số vấn đề cần xem lại. Nếu đúng là bài kiểm tra giữa học kỳ 1 thì đây được xem là bài kiểm tra "định kỳ".
Theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định đánh giá định kỳ như sau: "Đánh giá định kỳ (không thực hiện đối với cụm chuyên đề học tập), gồm đánh giá giữa kỳ và đánh giá cuối kỳ, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập. Thời gian làm bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đối với môn học (không bao gồm cụm chuyên đề học tập) có từ 70 tiết/năm học trở xuống là 45 phút, đối với môn học (không bao gồm cụm chuyên đề học tập) có trên 70 tiết/năm học từ 60 phút đến 90 phút; đối với môn chuyên tối đa 120 phút". Vì vậy bài kiểm tra chưa đạt yêu cầu về thời gian theo quy định của Thông tư (từ 60-90 phút đối với môn Ngữ văn 105 tiết/năm).
Đánh giá định kỳ nên đánh giá cả kỹ năng Đọc và Viết của học sinh trong khi đó đề này mới đánh giá phần Viết, chưa đánh giá được năng lực Đọc (năng lực rất quan trọng của môn Ngữ văn trong chương trình mới). Có lẽ do giáo viên giới hạn thời gian chưa đủ. Vì vậy để xem xét thấu đáo hơn cần xem lại cả Ma trận và Bảng đặc tả của đề.
Cụm từ "Phông bạt" là tiếng lóng mới xuất hiện gần đây chủ yếu trên mạng xã hội, không phải là thuật ngữ văn học. Có thể có học sinh chưa đọc thông tin, chưa hiểu nội hàm của cụm từ trên thì rất khó để hoàn thành yêu cầu của đề này. Vì vậy nếu có ra, theo tôi nên có đoạn dẫn ngắn hoặc một đoạn ngữ liệu ngắn dẫn vào vấn đề để học sinh nắm được nội hàm của cụm từ mới hoặc có chú thích từ phía dưới của đề thì học sinh có thể dễ dàng làm hơn.
Tóm lại, đề có tính mới, kích thích sự hứng thú của học sinh nhưng chưa phù hợp với yêu cầu cần đạt của chương trình Ngữ văn và Thông tư 22".
Thầy Nguyễn Minh Đạt, một giáo viên Văn ở TP.HCM cũng nêu quan điểm: "Đề kiểm tra ra 45 phút là chưa đúng với Thông tư 22 định về đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT - tối thiểu 60 phút với môn Ngữ văn. Đều thi cũng viết hoa tuỳ tiện: Lối sống phông bạt. Lẽ ra phải viết thường từ "lối" và từ "phông bạt" phải để trong ngoặc kép (mang nghĩa ẩn dụ). Cần chú thích từ "phông bạt" hoặc đặt từ này vào một ngữ cảnh cụ thể để học sinh hiểu được nghĩa của từ".
Trước ý kiến đề kiểm tra này chưa đáp ứng đủ yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vì phải gồm các phần Đọc-Hiểu, có kiến thức tiếng Việt và phần Viết, thầy Đạt cho rằng đánh giá định kỳ (không thực hiện đối với cụm chuyên đề học tập), gồm đánh giá giữa kỳ và đánh giá cuối kỳ, được thực hiện thông qua bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập. Vậy nên, giáo viên ra 1 câu nghị luận xã hội là hoàn toàn đúng với quy định hiện hành.
Nhìn chung, đề bài này nếu được giải thích từ "phông bạt" sẽ giúp học sinh lập dàn ý nhanh hơn, đỡ mất thời gian viết bài hơn. Đề này bàn về một hiện tượng đời sống gần gũi với tâm lý học sinh, giúp các em hứng thú trong việc làm bài và đề có tính phân hoá cao, giáo viên chấm bài cũng đỡ nhàm chán".
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm