Tổng thống Ukraine Zelensky. Ảnh: GI.
Các cuộc đàm phán giữa Moscow và Washington về việc chấm dứt xung đột Ukraine mới chỉ bắt đầu, nhưng Kiev đã đồng ý đầu hàng. Nhưng không phải trước Nga. Mà là trước nhà tài trợ chính của mình là nước Mỹ - Ria Novosti bình luận.
"Cơn ác mộng"
Cuộc tranh cãi căng thẳng tại Nhà Trắng dường như sẽ khiến Ukraine phải trả giá đắt. Sau khi ông Zelensky bị mời khỏi dinh thự của Tổng thống Mỹ, các điều kiện của thỏa thuận khoáng sản vốn đã được thảo luận trong tháng qua, trở nên khắc nghiệt hơn đáng kể.
Gần đây, nghị sĩ đối lập của Quốc hội Ukraine, Yaroslav Zheleznyak, đã tiết lộ nội dung của thỏa thuận được đề xuất. "Đây là một cơn ác mộng" – ông nhận xét.
Theo ông Zheleznyak, thỏa thuận bao gồm việc thành lập một quỹ đặc biệt, trong đó:
- Quỹ này do 5 người điều hành bởi, trong đó 3 người là đại diện từ Washington, có quyền phủ quyết;
- Thỏa thuận bao gồm tất cả các tài nguyên khoáng sản của Ukraine – cả các mỏ mới và các mỏ đang khai thác;
- Việc khai thác sẽ do các công ty nhà nước và tư nhân đảm nhiệm;
- Doanh thu sẽ được quy đổi ngay sang ngoại tệ và chuyển ra nước ngoài. Nếu không thể chuyển đi, Kiev sẽ phải bồi thường;
- Đóng góp của Mỹ chính là khoản viện trợ đã được cung cấp từ năm 2022;
- Chỉ phía Mỹ có quyền thay đổi nội dung thỏa thuận sau khi ký kết;
- Washington có "quyền ưu tiên" đối với tất cả các dự án cơ sở hạ tầng mới. Việc bán tài nguyên cho nước thứ ba chỉ có thể được thực hiện với sự chấp thuận của Nhà Trắng;
- Thỏa thuận có hiệu lực vô thời hạn. Không có bất kỳ cam kết nào về đảm bảo an ninh cho chính quyền Kiev.
Nghị sĩ Zheleznyak rất phẫn nộ với đề xuất thỏa thuận khoáng sản này. Sau bài phát biểu của ông, phiên họp của Quốc hội Ukraine đã bị gián đoạn - các nghị sĩ đã chặn bục phát biểu.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tuyên bố rằng văn kiện này có thể được ký kết ngay trong tuần tới.
Mỹ liên tục thay đổi điều kiện
Ông Zheleznyak nhấn mạnh: Đây chỉ là dự thảo, thỏa thuận vẫn cần phải đàm phán và điều chỉnh.
Văn phòng của ông Zelensky không phủ nhận bất kỳ điều gì. Chỉ có trợ lý tổng thống Mykhailo Podolyak nói với Reuters rằng các cuộc tham vấn với Mỹ vẫn đang tiếp tục ở cấp bộ.
Chính ông Zelensky cũng chỉ trích Mỹ vì liên tục thay đổi điều kiện. "Chúng tôi đã đồng ý rằng trước tiên sẽ có một thỏa thuận khung, sau đó là thỏa thuận đầy đủ. Hiện tại, các nhóm đang làm việc về vấn đề này vì Mỹ đang thay đổi quy tắc, đề xuất ký ngay thỏa thuận đầy đủ. Nhưng điều này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng" - ông nói trong một cuộc họp báo.
Tuy nhiên, ông cũng nói rõ: Ông không muốn Mỹ nghi ngờ. Ukraine không phản đối thỏa thuận khai thác khoáng sản vì không muốn mất viện trợ quân sự và thông tin tình báo.
Chính quyền Trump thực sự đã nhiều lần thay đổi các điều kiện của thỏa thuận, và phiên bản hiện tại khác xa so với bản gốc mà truyền thông từng công bố. Vấn đề là càng về sau, tình hình đối với Kiev càng trở nên tồi tệ hơn. Mặc dù ngay từ đầu, cũng đã khó có thể tưởng tượng một thỏa thuận nào mang tính ràng buộc hơn thế này.
Sự leo thang gây sốc
Phản ứng của phương Tây đã khẳng định điều này.
"Tổng thống Donald Trump đang kề súng vào đầu Vladimir Zelensky, yêu cầu các khoản bồi thường khổng lồ và đòi quyền kiểm soát một nửa tài nguyên dầu mỏ, khí đốt, hydrocarbon của Ukraine, cũng như gần như toàn bộ kim loại và một phần lớn cơ sở hạ tầng của nước này" - tờ The Telegraph của Anh nhận định.
Tờ The Times của Anh cũng đề cập đến "sự leo thang gây sốc trong nỗ lực của chính quyền Trump nhằm giành quyền kiểm soát tài nguyên của Ukraine như một khoản thanh toán cho sự can thiệp vào xung đột".
Ở Ukraine, dự thảo thỏa thuận mới gây ra sự hoảng loạn.
Nghị sĩ Maryana Bezuhla nhấn mạnh rằng ý kiến trước đây của bà về bất kỳ thỏa thuận nào với Mỹ ngày càng trở nên đúng đắn hơn.
"Đừng mong chờ gì từ các cuộc đàm phán – chúng ta phải chấp nhận rằng Mỹ là kẻ thù và là đồng minh của Nga. Để không ai trong chính quyền Ukraine đồng ý đầu hàng. Bất kỳ chữ ký nào vào lúc này đều là một bước đi đến sự đầu hàng" - bà nói vài tuần trước.
Nghị sĩ Oleksandr Merezhko cũng cho rằng thỏa thuận hiện tại là không thể chấp nhận được. Ông thậm chí còn nghi ngờ rằng đó có thể là một tài liệu giả mạo.
Nhưng nhìn vào hành động của ông Zelensky, có lẽ nó không phải là giả.
Bất chấp những điều kiện khắc nghiệt được đưa ra, Kiev dường như còn sợ một viễn cảnh khác hơn: đó là việc Mỹ có thể cắt đứt hoàn toàn viện trợ cho quân đội Ukraine.
Lựa chọn duy nhất trong trường hợp đó là dựa vào châu Âu. Tuy nhiên, thay vì 40 tỷ euro như đã hứa, EU chỉ phê duyệt 3,5 tỷ.
Dù vậy, Zelensky không có lựa chọn nào khác. Cũng không có bất kỳ đòn bẩy nào để gây sức ép lên Washington hay Brussels.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm