Dị ứng thực phẩm là phản ứng của hệ miễn dịch khi cơ thể lầm tưởng một loại đồ ăn nào đó là có hại. Ngay cả một lượng nhỏ thực phẩm gây dị ứng cũng có thể tạo ra các dấu hiệu và triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, phát ban, nổi mề đay hoặc sưng đường hô hấp. Các loại dị ứng thức ăn mà bạn có thể gặp là dị ứng hải sản, dị ứng cua đồng, dị ứng tôm, dị ứng thịt bò, dị ứng đậu phộng, dị ứng sữa….
Dị ứng thực phẩm rất dễ bị nhầm với tình trạng không dung nạp thực phẩm. Điều khác biệt là chứng không dung nạp thức ăn thường ít nghiêm trọng hơn và không liên quan đến hệ miễn dịch.
Tất cả mọi người đều có khả năng bị dị ứng thực phẩm. Tuy nhiên, dị ứng thực phẩm ở trẻ em thường phổ biến nhất, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Có đến 6 – 8% trẻ bị dị ứng thức ăn và khoảng 4% người trưởng thành gặp phải vấn đề này.
Dấu hiệu nhận biết dị ứng thực phẩm
Các triệu chứng dị ứng thực phẩm thường xuất hiện trong vòng vài phút đến hai tiếng sau khi ăn các loại thức ăn gây dị ứng, bao gồm: Phát ban hoặc đỏ, ngứa da; Ngạt mũi, ngứa mũi, hắt hơi hoặc ngứa mắt, chảy nước mắt; Nặng hơn là nôn mửa, đau bụng hoặc tiêu chảy, phù mạch hoặc sưng.
Trong một số trường hợp, dị ứng thực phẩm có thể gây sốc phản vệ với những triệu chứng như khó thở, tụt huyết áp đột ngột, mạch đập nhanh, chóng mặt, mất ý thức… Nếu tình trạng này không sớm được cấp cứu, có thể dẫn đến nguy cơ tử vong.
Cách xử trí khi bị dị ứng thực phẩm
Dị ứng thực phẩm là một trong những vấn đề thường gặp trong dịp Tết
Việc cần làm đầu tiên khi bị dị ứng thức ăn là cần xác định được loại thức ăn nào gây dị ứng và không ăn thức ăn đó trong vòng 7-14 ngày tiếp theo. Những thức ăn nghi ngờ là thức ăn sau khi ăn có những biểu hiện như: ngứa, nổi mề đay, ban đỏ, khó thở, tiêu chảy…
Khi bị dị ứng nổi ban đỏ (thường ăn thực phẩm như cua, tôm, socola…) bạn không nên tắm, không lau người bằng nước nóng vì nước nóng làm bạn nặng thêm, bạn hãy đắp nước lạnh lên chỗ ban mọc. Người bệnh cần mặc quần áo rộng, thoáng, nghỉ ngơi, có thể dùng các thuốc chống dị ứng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Sau khi ăn thức ăn có chứa hàm lượng đạm cao như thịt gà…, hay thức ăn để lâu ngày thường có biểu hiện mẩn ngứa tốt nhất là không nên ăn những thức ăn đó nữa. Bình thường các triệu chứng này sẽ tự khỏi sau một ngày nhưng nếu không hết hãy đưa người bệnh đến khám tại cơ sở Y tế gần nhất.
Thuốc dùng trong dị ứng thức ăn thường là những thuốc nhằm làm giảm nhanh các triệu chứng dị ứng, và một điều quan trọng nhất là chống các phản ứng sốc phản vệ. Bởi vì sốc phản vệ chính là nguyên nhân dẫn đến tử vong ở người bị dị ứng thực phẩm. Những loại thuốc thường dùng trong dị ứng đó là: epiephrin, kháng histamin, chống co thắt phế quản, corticoid hít hay toàn thân.
Đối với một phản ứng dị ứng nhẹ, thuốc kháng histamin toa hoặc quy định có thể giúp giảm triệu chứng. Các thuốc này có thể được thực hiện sau khi tiếp xúc với một thực phẩm gây dị ứng để giúp giảm ngứa hoặc phát ban. Tuy nhiên, thuốc kháng histamine không thể điều trị một phản ứng dị ứng nghiêm trọng.
Đối với một phản ứng dị ứng nặng với triệu chứng suy hô hấp, hạ huyết áp, bất tỉnh, cần dùng ngay epinephrine và chuyển đến phòng cấp cứu càng sớm càng tốt trong vòng 8 giờ.
Cách phòng tránh dị ứng thực phẩm trong ngày Tết
Để đề phòng dị ứng thực phẩm, chúng ta cần tránh ăn những thức ăn đã từng làm cho bạn bị dị ứng, dù biểu hiện của dị ứng là rất nhẹ. Trước khi quyết định mua một loại thực phẩm nào đó, bạn phải đọc nhãn mác và lưu ý một số từ ngữ không thông dụng sử dụng trên nhãn mác, bao bì sản phẩm như albumin (một thành phần của chất đạm trứng) hoặc casein (đạm sữa).
Đối với trẻ em có tiền sử gia đình bị dị ứng cũng nên cẩn thận và theo dõi trẻ ít nhất là đến lúc trẻ được 3 tuổi. Khi trẻ có tiền sử dị ứng thức ăn, khi cho ăn một thức ăn mới thì nên cho trẻ ăn từng ít một và sau mỗi lần ăn nên theo dõi biểu hiện của trẻ. Ngoài ra, bạn nên cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 4 - 6 tháng đầu, vì sữa mẹ giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn một số dị ứng ở trẻ nhỏ.
Khi đi ăn tại nhà hàng, hãy nói với người phục vụ về loại thực phẩm bạn bị dị ứng, còn khi nấu ăn tại nhà, tránh dùng chung dụng cụ nhà bếp với những loại thực phẩm bạn bị dị ứng vì có thể gây ra phản ứng dị ứng chéo.
Ngoài ra, hiểu về dị ứng là cách tốt nhất giúp bạn dễ dàng vượt qua dị ứng thực phẩm vì đây là cách giúp bạn phòng tránh hiệu quả nhất.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm