Dịp lễ Tết là thời gian nhu cầu tiêu thụ rượu bia tăng vọt. Chưa đến Tết nhưng nhiều vụ ngộ độc rượu bia đã xảy ra, số ca nhập viện cũng tăng cao, trong đó có những trường hợp tử vong.
Ngộ độc rượu là hiện tượng ngộ độc cồn (ethanol) do sử dụng đồ uống có cồn nhiều hơn mức cơ thể chấp nhận trong thời gian ngắn. Tình trạng này ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại, đặc biệt là những người nghiện rượu.
Khi kiểm tra trong 100ml máu có chứa từ 80mg nồng độ cồn trở lên, tức là cơ thể bạn đang bị ngộ độc rượu. Tình trạng này có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí có thể tử vong. Vì vậy, người bệnh cần nhận biết sớm dấu hiệu để xử trí kịp thời.
Dấu hiệu ngộ độc rượu dịp Tết
Một trong những triệu chứng mà bạn dễ dàng nhận khi ngộ độc là xuất hiện triệu chứng rối loạn thần kinh. Mắt bỗng nhiên mờ, nhìn không rõ một vật nào đó, cảm nhận màu sắc cũng không chân thật, khó nhận diện.
Tình trạng ngộ độc ethanol cũng gây ra phản ứng về tiêu hóa như đau bụng, chướng bụng và đặc biệt là cảm giác buồn nôn và nôn mửa nhiều. Khi ethanol ngấm dần vào cơ thể, một số trường hợp có thể gặp phải tình trạng suy giảm chức năng về thể chất, chân tay tê yếu, khó đi lại. Đồng thời, người bệnh cũng có nguy cơ thay đổi trên da, môi và đầu móng tay như bị tím tái, lạnh hoặc nhợt nhạt.
Ngoài ra, những người bị ngộ độc rượu thường rối loạn chức năng thần kinh nên khó kiểm soát được hành vi của mình. Vì vậy, nhiều người xuất hiện triệu chứng đại tiện, tiểu tiện ra quần. Dù tỉnh rượu nhưng cồn vẫn chưa đào thải hết nên nhiều người vẫn sẽ còn các triệu chứng như nói sảng, nói ngọng. Đây là triệu chứng thường gặp ở người ngộ độc rượu.
Ảnh minh họa
Cách xử trí khi bị ngộ độc rượu dịp Tết
Trong trường hợp thấy có người uống rượu có biểu hiện ngộ độc rượu, chúng ta cần nhanh chóng tiến hành các bước sơ cấp cứu tại chỗ cho nạn nhân để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Các bước này cụ thể như sau:
- Kê gối cho nạn nhân nằm, đầu và vai cao hơn.
- Nếu nạn nhân bất tỉnh kèm theo hiện tượng ứ đọng đờm rãi, thở khò khè cần cho nằm nghiêng một bên và tìm cách gây nôn, xát mạnh hai bên má.
- Nếu thời tiết lạnh cần ủ ấm cho bệnh nhân.
- Không để bệnh nhân ngủ li bì suốt ngày hoặc đêm. Cách vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy. Cho ăn cháo loãng để tránh hạ đường huyết nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống.
- Cho người bệnh uống nhiều nước ấm để không bị mất nước. Có thể cho bệnh nhân uống các loại nước có tác dụng giải rượu nhẹ như nước gừng tươi, nước cà chua...
- Nếu lay gọi người bệnh không tỉnh, ứ đọng đờm rãi nhiều, thở sâu, thở nhanh thậm chí co giật... hoặc có tỉnh dậy nhưng đau đầu, chóng mặt, sợ ánh sáng, vã mồ hôi, chân tay lạnh, da xanh tái, mờ hoặc mất hẳn thị lực... cần giữ bệnh nhân ở tư thế cao đầu, nằm nghiêng an toàn và nhanh chóng gọi xe cấp cứu chuyển bệnh nhân tới các cơ sở y tế hoặc bệnh viện.
Cũng cần lưu ý tuyệt đối không cho nạn nhân uống thuốc giải độc rượu, các loại thuốc chống nôn, thuốc giảm đau, hạ sốt... nếu chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm