Được biết, mỗi kit xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 có giá 270.000-350.000 đồng, xét nghiệm PCR tại bệnh viện thường từ trên 700.000 đồng/mẫu.
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Minh Trang, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải Delta cho biết, bình quân cứ 2 ngày lái xe của công ty lại phải lấy mẫu xét nghiệm một lần để có kết quả “gối đầu”, đáp ứng yêu cầu có giấy xét nghiệm trong 72 giờ từ thời điểm lấy mẫu của nhiều địa phương. Giá xét nghiệm PCR là 700.000-800.000 đồng một mẫu, tuỳ cơ sở y tế. Mỗi tháng DN này mất 300 triệu đồng chi phí xét nghiệm PCR cho gần 150 lái xe. Nếu được chủ động tự xét nghiệm, DN sẽ bớt đi gánh nặng.
Cũng với băn khoăn ấy, ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Công ty may Thúy Đạt (Nam Định), cho biết: trước dịch công ty có khoảng hơn 1.000 nhân công, nhưng hiện tại chỉ còn duy trì khoảng hơn 500 công nhân vì áp lực chi phí với DN rất lớn.
Theo bà Đỗ Thị Thuý Hương, Uỷ viên BCH Hiệp hội DN điện tử Việt Nam, ước tính xét nghiệm chiếm 70-80% chi phí phòng dịch của một DN. Tạm tính, mỗi kit xét nghiệm nhanh có giá 270.000-280.000 đồng, cứ 3 ngày xét nghiệm một lần thì DN mất khoảng 3 triệu đồng một người, một tháng cho chi phí xét nghiệm. Còn nếu phải xét nghiệm PCR thì chi phí cao hơn. Nếu DN có hàng nghìn lao động như các công ty điện tử, số tiền phải trả lên tới hàng tỷ đồng.
Không phủ nhận, việc xét nghiệm để phòng dịch là cần thiết, ngay cả khi đã phủ vaccine. Song nếu có một phương án xét nghiệm khác, dựa trên cơ sở tính toán khoa học hơn, sẽ giúp DN nói riêng và cộng đồng nói chung bớt căng thẳng. Thay vì bắt buộc có xét nghiệm RT-PCR, bà Hương cho rằng, nhà chức trách nên xem xét cho phép DN thực hiện xét nghiệm nhanh nCoV và chịu trách nhiệm về việc này. Việc DN tự chủ trong xét nghiệm Covid-19 cũng sẽ giúp người lao động tránh được các rủi ro lây lan dịch bệnh trong quá trình phải xếp hàng để đăng ký xét nghiệm và chờ lấy kết quả.
Lắng nghe ý kiến DN, Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị quyết 105. Theo đó cho phép DN được tự xét nghiệm Covid-19, tự chịu trách nhiệm nhưng đến nay Bộ Y tế vẫn chưa ban hành hướng dẫn các DN về việc này. Hy vọng, Bộ Y tế lưu tâm, sớm “gỡ khó” giúp cộng đồng DN giảm bớt khó khăn trên tinh thần vừa sản xuất, kinh doanh vừa nỗ lực phòng, chống dịch.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm