Trong đơn kiện, trường đại học lâu đời và giàu có nhất nước Mỹ lập luận rằng quyết định hôm thứ Năm của Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) về việc loại Harvard khỏi Chương trình Sinh viên và Trao đổi Du học sinh (SEVP) là vi phạm pháp luật.
“Đây là hành động trả đũa rõ ràng mới nhất của chính phủ nhằm vào Harvard vì đã thực thi quyền Tu chính án thứ nhất trong việc từ chối các yêu cầu kiểm soát quyền quản trị, chương trình giảng dạy và 'hệ tư tưởng' của giảng viên và sinh viên” - đơn kiện viết, theo bản sao do Harvard cung cấp.
Harvard yêu cầu thẩm phán ngay lập tức chặn lệnh của Bộ trưởng An ninh Nội địa Kristi Noem.
Hôm thứ Năm, chính quyền Trump đã thu hồi quyền tuyển sinh sinh viên quốc tế của Đại học Harvard, đưa ra một hình phạt nghiêm khắc đối với trường đại học danh tiếng này vì từ chối tuân thủ các yêu cầu chính sách từ chính quyền.
“Harvard không còn được phép tuyển sinh sinh viên nước ngoài, và các sinh viên quốc tế hiện có phải chuyển trường hoặc mất tình trạng hợp pháp” - Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) tuyên bố.
Động thái gây chấn động này diễn ra khi sinh viên từ khắp nơi trên thế giới đang chuẩn bị nhập học tại Harvard - trường đại học lâu đời nhất nước Mỹ và là một trong những cơ sở giáo dục danh giá nhất.
Một sinh viên năm nhất đến từ New Zealand mô tả cảm giác khi nghe tin như thể “tim rơi xuống vực”. Bộ trưởng Kristi Noem cho biết bà đã ra lệnh cho bộ của mình chấm dứt chứng nhận SEVP của Harvard, viện dẫn việc trường này từ chối cung cấp hồ sơ hành vi của sinh viên quốc tế theo yêu cầu của DHS hồi tháng trước.
Quyết định này có thể ảnh hưởng đến hơn một phần tư tổng số sinh viên của Harvard, trong đó có một tỷ lệ lớn là sinh viên quốc tế, khiến họ rơi vào trạng thái lo lắng và hoang mang. Các giáo sư cảnh báo rằng một cuộc rút lui hàng loạt của sinh viên nước ngoài có thể làm suy yếu năng lực học thuật của Harvard, ngay cả khi trường đang đấu tranh để bảo vệ quyền tự chủ về tư tưởng trước chính quyền.
Nhà Trắng hôm thứ Năm cho biết: “Tuyển sinh sinh viên nước ngoài là một đặc ân, không phải là quyền lợi,” và cáo buộc ban lãnh đạo Harvard đã biến “một tổ chức từng vĩ đại trở thành ổ nhóm của những kẻ kích động chống Mỹ, bài Do Thái và ủng hộ khủng bố.”
“Harvard đã nhiều lần thất bại trong việc xử lý các vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng tiêu cực đến sinh viên Mỹ, và giờ đây họ phải đối mặt với hậu quả từ hành động của mình,” phát ngôn viên Nhà Trắng Abigail Jackson phát biểu với CNN.
Trong nhiều tháng qua, Harvard và chính quyền Trump đã vướng vào cuộc xung đột khi chính quyền yêu cầu trường thay đổi các chương trình học, chính sách, quy trình tuyển dụng và tuyển sinh nhằm loại bỏ chủ nghĩa bài Do Thái trong khuôn viên trường và chấm dứt cái mà họ gọi là “các thực hành ‘đa dạng, công bằng và hòa nhập’ mang tính phân biệt chủng tộc.” Chính quyền đặc biệt nhắm đến sinh viên và nhân viên quốc tế bị cho là đã tham gia các cuộc biểu tình gây tranh cãi liên quan đến cuộc chiến giữa Israel và Hamas.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo Harvard cho rằng nhiều yêu cầu của chính phủ — bao gồm việc “kiểm tra” quan điểm của sinh viên và giảng viên — đã vượt quá vai trò của chính phủ liên bang và có thể vi phạm quyền hiến định của Harvard.
Noem cho biết Harvard có thể lấy lại quyền tuyển sinh sinh viên quốc tế nếu trong vòng 72 giờ cung cấp hồ sơ hành vi trong vòng 5 năm qua của toàn bộ sinh viên nước ngoài. Bức thư bà gửi Harvard hôm thứ Năm và đăng trên mạng xã hội cũng xác nhận điều đó.
DHS yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến các hành vi bị cho là “bất hợp pháp,” “nguy hiểm hoặc bạo lực” hoặc đe dọa trong 5 năm qua của sinh viên quốc tế, đặc biệt nhấn mạnh đến các đoạn âm thanh hoặc video về “bất kỳ hoạt động biểu tình nào” có sự tham gia của sinh viên nước ngoài trong khuôn viên trường.
Harvard là một trong hàng chục trường đại học tại Mỹ đang đối mặt với những yêu sách khắc nghiệt từ chính quyền Trump, nhưng trường đã nổi lên là tiếng nói kiên quyết nhất bảo vệ quyền tự chủ học thuật của mình.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm