Trao đổi với Báo Tri thức và Cuộc sống sáng 8/2, đại diện lãnh đạo Công an Thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) cho biết, đơn vị đang xác minh, làm rõ thông tin cô đồng bổ cau, xem bói toán "đúng nhận sai cãi" có biểu hiện hiện tượng mê tín dị đoan trên mạng xã hội.
Theo vị này, Công an Thị xã Kinh Môn đang theo dõi ở trên mạng xã hội cũng như qua thông tin báo chí. Trường hợp nếu có các vi phạm, Công an sẽ cùng với Ban chỉ đạo tôn giáo của thị xã xử lý theo các quy định của pháp luật.
Ông Vũ Văn Dung, Chủ tịch UBND phường Hiến Thành cho hay, cô đồng T.H gây xôn xao mạng xã hội những ngày gần đây hiện đang sinh sống trên địa bàn phường. Cô đồng T.H trước lấy chồng ở địa phương khác và mới về địa bàn sinh sống, trông nhà cho bố mẹ đi miền Nam.
“Chúng tôi vẫn đang làm việc, tiến hành xác minh để báo cáo lãnh đạo thị xã. Ban Tôn giáo thị xã và Công an thị xã cũng đang tiến hành xác minh”, ông Dung nói.
Liên quan đến vụ việc này, thông tin với Báo Dân Việt, lãnh đạo UBND thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương cho biết, đơn vị đang chờ hoàn tất báo cáo vụ việc liên quan đến cô đồng T.H. ở phường Hiến Thành bổ cau xem bói với câu nói "đúng nhận sai cãi" xôn xao trên mạng xã hội những ngày vừa qua.
"Bước đầu khi làm việc với cơ quan chức năng, cô T.H. rất hợp tác. Hiện cán bộ thị xã đang hoàn thiện báo cáo sau đó sẽ có những phương án đề xuất cấp trên", lãnh đạo UBND thị xã Kinh Môn nói.
Về vấn đề này, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình - Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) cho biết, đã nắm được vụ việc trên. "Với trách nhiệm quản lý, Bộ TT-TT sẽ có ý kiến yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như TikTok, Facebook ngăn chặn, gỡ bỏ những video, clip có nội dung vi phạm pháp luật liên quan đến bói toán, mê tín dị đoan của cô đồng T.H. Đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá mê tín dị đoan, kinh doanh tâm linh", ông Do nhấn mạnh.
Cô đồng T.H. đang gây xôn xao mạng xã hội những ngày gần đây. Ảnh chụp màn hình
Trước đó, trên mạng xã hội Tiktok xôn xao trước nhiều đoạn clip ghi lại hình ảnh cô đồng T.H. ở Hải Dương xem bói cho người khác qua hình thức bổ cau. Ngay sau khi clip được đăng tải đã nhận được hàng chục nghìn lượt thích và hàng nghìn lượt chia sẻ.
Qua các video clip này, có thể thấy mỗi lần cô đồng T.H bổ cau là có thể nói vanh vách một vấn đề nào đó. Đặc biệt sau mỗi lần "phán", cô đồng T.H lại "chốt" một câu "đúng nhận sai cãi" khiến nhiều bạn trẻ khá thích thú. Cũng chính vì vậy, thời gian gần đây câu nói "đúng nhận sai cãi" đã trở thành một trào lưu mới trong giới trẻ.
Từ đó, một loạt các video Tiktok cũng được ra đời với nội dung bắt chước lại hình ảnh của cô đồng T.H. Thậm chí nhiều bạn trẻ còn cover lại hình ảnh cô đồng với nhiều vật phẩm như bổ quả dưa, quả nhót, quả chanh... khiến dân mạng không khỏi "phấn khích".
Xung quanh đến vấn đề này, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho Báo Sức khỏe và Đời sống biết, hiện tượng bói toán, chiêm bái, đoán mộng, phán bảo điều này điều kia dưới góc độ thần thánh đã tồn tại hàng nghìn năm qua. Trước đây hoạt động này bị ngăn cấm, mấy năm gần đây nền kinh tế phát triển kéo theo một số hệ lụy tồn tại khiến lực lượng chức năng khó xử lý.
Theo ông Đức, hiện tượng hầu đồng mấy năm qua cũng có mặt tích cực nhưng cũng có mặt hạn chế như mê tín, dị đoan. Mặt tích cực của hầu đồng đó là có thể giải thích bằng khoa học như là yếu tố tâm lý tác động vào cá nhân, xã hội cần được giải toả, giải phóng, có thể làm cho con người bớt đi nỗi ưu tư, bớt đi nỗi lo toan. Nếu vi phạm pháp luật về tuyên truyền mê tín dị đoan, các cơ quan chức năng nên xử lý về mặt hành chính. Bên cạnh đó, người dân phải cảnh giác qua phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức cho nhân dân.
Trong khi đó, Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ - Nguyên giảng viên Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định, việc bổ cau bói toán như đã nêu ở trên là hoạt động mê tín, dị đoan. Mọi người hoàn toàn không nên theo và không nên tin.
Trước sự việc này, chia sẻ trên Báo Thanh niên, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL), cho biết pháp luật Việt Nam đã có những quy định rất rõ ràng về hành vi lợi dụng bói toán gây ảnh hưởng xấu đến người dân, gây ra những thiệt hại về người và của cải, thì sẽ bị xử phạt về hành chính hoặc xử lý hình sự, hoặc bị xử lý cả hành chính và hình sự. Để có thể xác định rõ ràng hành vi của cá nhân trên, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng tại địa phương để khẩn trương xác minh, làm rõ.
Theo bà Hương, hiện nay, các mạng xã hội đang phát triển rất mạnh mẽ và có tác động vô cùng lớn đối với xã hội, đặc biệt là đối với giới trẻ. Vì vậy, mỗi người dân khi tham gia vào mạng xã hội phải chấp hành các quy định của pháp luật về trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội, cũng như nâng cao nhận thức của mình đối với các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Bộ TT-TT đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; trong đó khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước, con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt thay vì chia sẻ những thông tin xấu, độc hại, nhằm góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho rằng, hiện nay các khái niệm mê tín dị đoan trong văn bản quy phạm chưa có. Tuy nhiên, từ góc độ nhà nghiên cứu thì đây là mê tín dị đoan vì là hiện tượng bói toán. Các cơ quan quản lý cũng cần có biện pháp ngăn chặn, loại bỏ các thông tin cổ xúy mê tín dị đoan kịp thời.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm