Con đường thâu tóm doanh nghiệp nhà nước của tập đoàn Gelex

Con đường thâu tóm doanh nghiệp nhà nước của tập đoàn Gelex
Công ty cổ phần tập đoàn GELEX (Gelex Group - mã chứng khoán GEX) tiền thân là Tổng công ty thiết bị kỹ thuật điện, được thành lập từ năm 1990 trên cơ sở tập trung các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nghiên cứu kỹ thuật điện do Bộ Công nghiệp nặng (nay là Bộ Công thương) quản lý.

Ngày 1/12/2010, Công ty chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, trong đó, Bộ Công thương là cổ đông Nhà nước sở hữu gần 80% vốn điều lệ. Ngành nghề kinh doanh gồm: Sản xuất công nghiệp thiết bị điện và vật liệu xây dựng; Hạ tầng điện, nước, đầu tư phát triển bất động sản, khu công nghiệp và hệ sinh thái quanh khu công nghiệp… Đến tháng 12/2015, Bộ Công thương tiến hành thoái vốn và Tổng công ty thiết bị kỹ thuật điện rơi vào tay tư nhân. Đến tháng 6/2021, Tổng công ty thiết bị kỹ thuật điện đổi tên thành Công ty cổ phần tập đoàn GELEX.

Quá trình cổ phần hóa và chuyển nhượng phần vốn góp của Bộ Công thương tại Tổng công ty thiết bị kỹ thuật điện (GELEX) là một hiện tượng hy hữu trong quá trình thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Phiên giao dịch ngày 25/12/2015 đã đi vào lịch sử của sàn giao dịch UPCoM khi mà chỉ trong 30 phút ngắn ngủi sau khi mở cửa phiên giao dịch, cổ đông Nhà nước là Bộ Công thương đã bán xong toàn bộ hơn 122 triệu cổ phiếu GEX, tương đương 78,74% vốn điều lệ, tổng giá trị hơn 2.100 tỷ đồng. Tại phiên giao dịch này, cổ phiếu GEX chủ yếu được khớp lệnh ở mức giá 17.700 - 17.800 đồng/cổ phiếu. Kết thúc phiên, cổ phiếu này đã tăng vọt lên 19.500 đồng/cổ phiếu. Cái cách mà Bộ Công thương công bố thông tin thoái vốn khỏi GELEX cũng vô cùng kỳ lạ. Ngày 24/12/2015, Bộ Công thương có văn bản gửi Ủy ban chứng khoán Nhà nước, HNX và GELEX về việc đăng ký thoái vốn khỏi công ty này, dự kiến thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 25/12/2015 đến ngày 22/1/2016. Ngay ngày hôm sau, Bộ Công thương đã chào bán hơn 122 triệu cổ phiếu GEX trên UpCom và chỉ trong vòng 30 phút sau khi mở cửa, toàn bộ số cổ phiếu GEX chào bán đã được mua hết. Với lô cổ phần đủ lớn để kiểm soát doanh nghiệp, việc Bộ Công thương vội vàng công bố thông tin rồi lại vội vàng chào bán phải chăng để các nhà đầu tư khác nếu quan tâm cũng không thể đủ thời gian nghiên cứu, chuẩn bị tài chính để mua và mục đích chính là nhắm đến một số nhà đầu tư đã được lựa chọn từ trước, đã chuẩn bị sẵn hơn 2.000 tỷ đồng trong tài khoản chứng khoán. Thật sự nếu GELEX là một khoản đầu tư hấp dẫn thì trong trường hợp được chào bán, đấu giá công khai, minh bạch, số tiền Nhà nước thu được sẽ lớn hơn nhiều con số 2.100 tỷ đồng.

tap_doan_gelex_thau_tom_doanh_nghiep_nha_nuoc

Gian hàng giới thiệu sản phẩm của Gelex. Ảnh: NGUYỆT ANH

Đến thời điểm hiện tại, trong số các cổ đông lớn nhất của Gelex Group có ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Gelex Group, sở hữu hơn 192 triệu cổ phiếu GEX, chiếm tỷ lệ 22,58% vốn điều lệ; Công ty TNHH MTV Đầu tư GEX (thành lập tháng 4/2016, vốn điều lệ 800 tỷ đồng, chủ sở hữu là Công ty TNHH Thiết bị và xây lắp Huy Hoàng, có thành viên góp vốn là mẹ và vợ ông Nguyễn Văn Tuấn) sở hữu hơn 113 triệu cổ phiếu GEX, chiếm tỷ lệ 13,3% vốn điều lệ; Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch và môi trường ECO & MORE sở hữu hơn 24 triệu cổ phiếu GEX, chiếm tỷ lệ 4,95% vốn điều lệ; bà Đào Thị Lơ (mẹ ông Tuấn) sở hữu 24 triệu cổ phiếu GEX, chiếm tỷ lệ 4,9% vốn điều lệ; Công ty cổ phần MHC (tiền thân là Công ty cổ phần Hàng hải Hà Nội, thành lập tháng 11/1998, vốn điều lệ hiện nay 414 tỷ đồng) sở hữu hơn 19 triệu cổ phiếu GEX, chiếm tỷ lệ 4,02% vốn điều lệ...

Ngay sau khi thâu tóm được GELEX, hoạt động tái cấu trúc đã được triển khai ngay với việc thoái vốn tại các doanh nghiệp trực thuộc. Trong đó, thoái vốn tại Công ty cổ phần Chế tạo Bơm Hải Dương (mã CTB-HNX) ước thu lãi 20 tỷ đồng, thoái vốn tại Công ty cổ phần Vật tư và Xây dựng Hà Nội (HC). Ngoài ra, Gelex Group cũng góp thêm vốn vào Công ty cổ phần khí cụ điện 1 và thành lập thêm các công ty thành viên mới như Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Gelex, Công ty cổ phần Cadivi miền Bắc... Với nền tảng có sẵn, Gelex Group tiếp tục “thâu tóm” hàng loạt các doanh nghiệp nhà nước có tên tuổi trên thị trường, điển hình là Tổng công ty Viglacera (VGC), doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng. Tổng công ty Viglacera không chỉ nổi tiếng về sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, thiết bị vệ sinh mà doanh nghiệp này còn được xem là “ông trùm” phát triển hạ tầng khu công nghiệp phía bắc, với việc sở hữu nhiều khu công nghiệp tại các tỉnh phía bắc như: Tiên Sơn, Yên Phong (Bắc Ninh); Hải Yên, Đông Mai (Quảng Ninh); Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), Tiền Hải (Thái Bình), Phú Hà (Phú Thọ), Đồng Văn IV (Hà Nam)… với tổng diện tích lên tới hàng nghìn hecta. Không chỉ có vậy, Tổng công ty Viglacera còn hàng loạt dự án khu đô thị như: Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm), Dự án số 671 Hoàng Hoa Thám, Dự án Khu nhà ở thấp tầng Đại Mỗ, Tây Mỗ, Nhà OCT2 Xuân Phương... Theo ước tính, nguyên giá bất động sản của Tổng công ty Viglacera lên đến 5.000 tỷ đồng, trong đó, phần nhiều đã được khấu hao hết nhưng vẫn đang được khai thác, sử dụng.

Vào ngày 6/4/2021, Gelex Group của ông Nguyễn Văn Tuấn công bố đã mua thêm 18,5 triệu cổ phiếu VGC, nâng tỷ lệ sở hữu của Gelex Group và người có liên quan tại VGC lên 225,1 triệu cổ phiếu tương đương với 50,21% vốn điều lệ VGC, chính thức biến VGC thành công ty con của Gelex Group. Bên cạnh đó, Gelex Group còn sở hữu, chi phối hàng loạt các doanh nghiệp gốc Nhà nước khác như Công ty Dây và Cáp điện Việt Nam (Cadivi), Công ty Thiết bị điện Việt Nam (Thibidi), Công ty CP Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM), Tổng công ty thiết bị điện Đông Anh (TBD)... Với việc liên tục thâu tóm các doanh nghiệp Nhà nước, Gelex Group đã nhanh chóng trở thành tập đoàn đa ngành ở Việt Nam hiện nay.

Nguồn tài chính khổng lồ để thâu tóm hàng loạt doanh nghiệp nhà nước tên tuổi của ông Nguyễn Văn Tuấn, người có liên quan và của Gelex Group đến từ đâu? Tính đến hết 30/9/2021, theo tài chính hợp nhất quý III/2021, vốn điều lệ của Gelex Group là 7.811 tỷ đồng (cuối năm 2020 là 4.882 tỷ đồng), tổng tài sản của tăng chóng mặt, lên đến 54.273 tỷ đồng, gấp đôi so với đầu năm 2020. Tuy nhiên, việc thâu tóm hàng loạt các doanh nghiệp nhà nước cũng khiến tổng nợ của Gelex Group ngày càng lớn. Đến 30/9/2021, nợ ngắn hạn là 23.216 tỷ đồng (đầu năm 2020 là 10.831 tỷ đồng), nợ dài hạn là 11.441 tỷ đồng (đầu năm 2020 là 8.105 tỷ đồng). Bên cạnh nguồn vốn vay đến từ các ngân hàng thương mại, Gelex Group và các công ty có liên quan còn huy động vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) với số lượng rất lớn.

Tính đến thời điểm 30/9/2021, theo số liệu tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tổng số TPDN của Gelex Group và các công ty có liên quan phát hành là 9.370 tỷ đồng bao gồm: Công ty cổ phần tập đoàn GELEX (Gelex Group) có 14 lô trái phiếu, tổng giá trị phát hành 4.050 tỷ đồng; Công ty cổ phần thiết bị điện Gelex có 2 lô trái phiếu, tổng giá trị phát hành 870 tỷ đồng; Công ty cổ phần hạ tầng Gelex có 1 lô trái phiếu, tổng giá trị phát hành 1.000 tỷ đồng, đáo hạn 600 tỷ đồng, giá trị đang lưu hành 400 tỷ đồng; Công ty cổ phần thiết bị điện có 01 lô trái phiếu, giá trị 550 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV đầu tư GEX có 1 lô trái phiếu, giá trị 1.000 tỷ đồng; Công ty TNHH thiết bị và xây lắp Huy Hoàng có 1 lô trái phiếu, giá trị phát hành 500 tỷ đồng; Công ty cổ phần đầu tư MHC có 2 lô trái phiếu, tổng giá trị phát hành 500 tỷ đồng; Công ty cổ phần đầu tư nước sạch và môi trường ECO & MORE có 1 lô trái phiếu, giá trị phát hành 900 tỷ đồng.

Phác họa quá trình hình thành và “thay máu” của Gelex Group cho thấy, một nhóm cá nhân và doanh nghiệp gần như không mấy tên tuổi như: Công ty TNHH MTV Đầu tư GEX, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Bưu điện (PTC), Công ty cổ phần chứng khoán IB (VIX)... đã dùng hơn 2.100 tỷ đồng thâu tóm Tổng công ty thiết bị kỹ thuật điện từ tay Bộ Công thương. Sau khi đổi chủ, Gelex Group liên tục tăng vốn điều lệ với tốc độ chóng mặt, nhanh tay thâu tóm hàng loạt các doanh nghiệp nhà nước tên tuổi khác, hoạt động trong những lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế như thiết bị điện, cấp nước, vật liệu xây dựng, thiết bị vệ sinh... và chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm, Gelex Group đã trở thành tập đoàn đa ngành với tổng tài sản lên tới hơn 54 nghìn tỷ đồng, tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2021 đạt 19.299 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế ở mức khiêm tốn chỉ đạt 836 tỷ đồng.

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Nổi bật trang chủ
3 ngôi sao trẻ sáng cửa lên tuyển U22 Việt Nam
19 Tháng 01, 2025

Ba cái tên được dự đoán có trong thành phần đội tuyển U22 Việt Nam dự SEA Games đã được xác định.

Đọc thêm
'Gia vị' Táo quân

'Gia vị' Táo quân

19 Tháng 01, 2025

Ngay từ khi tôi còn bé tí, bạn đã trở thành chương trình được yêu thích và mong chờ nhất trong dịp Tết.

Man United chiêu mộ sao Sporting Lisbon

Man United chiêu mộ sao Sporting Lisbon

19 Tháng 01, 2025

Quỷ đỏ rất tự tin trong thương vụ Viktor Gyokeres vì HLV Ruben Amorim là thầy cũ của tiền đạo người Thụy Điển.

Ông Biden kể về nỗi sợ bị ám sát ở Ukraine

Ông Biden kể về nỗi sợ bị ám sát ở Ukraine

19 Tháng 01, 2025

Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden đã tiết lộ rằng ông lo sợ bị những người theo chủ nghĩa cực đoan Ukraine ám...

Nam Định: Thu giữ hơn 8.000 hộp pháo 'củ tỏi nổ'

Nam Định: Thu giữ hơn 8.000 hộp pháo 'củ tỏi nổ'

19 Tháng 01, 2025

Ngày 18/1, Công an huyện Trực Ninh (tỉnh Nam Định) cho biết đã phát hiện và thu giữ hơn 8.000 hộp pháo với tổng trọng...

"Gặp nhau cuối tuần" trở lại VTV3 sau 19 năm

19 Tháng 01, 2025

Thông tin chương trình "Gặp nhau cuối tuần" trở lại VTV3 sau 19 năm phát sóng đang được khán giả quan tâm.

0.66401 sec| 2271.797 kb