Đây là thông tin được ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 liên quan vấn đề tìm đối tác chiến lược nước ngoài và phát hành cổ phiếu tăng vốn cho cổ đông ngoại.
Theo ông Hiển, kế hoạch tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài đã được Đại hội đồng cổ đông đề cập trong nhiều năm, ban lãnh đạo cũng đã làm việc với nhiều đối tác và nhận được nhiều sự quan tâm từ các tập đoàn tài chính lớn trên thế giới.
Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển
Ông Hiển nói rằng ban lãnh đạo luôn coi SHB như một “cô gái đẹp” và nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, quan điểm của ban lãnh đạo là tìm nhà đầu tư lâu dài, không chỉ rót vốn vào là xong mà phải đầu tư và tham gia quản trị, điều hành, xây dựng công nghệ…
“Nhưng khi làm việc với các đối tác năm vừa qua, chủ yếu các đối tác chỉ mong muốn đầu tư tài chính, tham gia ngắn và trung hạn”, ông Hiển nói.
“Hiện nhà đầu tư chung thủy 15-20 năm thì rất ít, còn nhà đầu tư ngắn và trung hạn 3-5 năm thì rất nhiều. Hiện ban lãnh đạo đã gặp mặt một số nhà đầu tư, dự kiến đến cuối năm nay hoặc đầu năm sau, cổ đông sẽ thấy các nhà đầu tư lớn trên thế giới tham gia vào SHB”, ông Hiển nói.
SHB là một trong những nhà băng tư nhân quy mô lớn hiếm hoi chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài. Hiện tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại đây mới vào khoảng 7%, cách rất xa mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước là 30%.
Cũng tại phiên họp cổ đông lần này, một số cổ đông đã đặt câu hỏi về khoản đầu tư hơn 4.100 tỷ đồng của SHB vào quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, ông Hiển cho biết đây thực tế chỉ là giá trị trên sổ sách của các bất động sản mà ngân hàng mua từ cách đây “mười mấy năm”, trong khi giá trị hiện tại của các bất động sản này đã tăng gấp hàng chục lần.
Hiện phần lớn trụ sở, chi nhánh của SHB tại Hà Nội đều là đất thuộc sở hữu của ngân hàng. Điều này giúp nhà băng tiết kiệm rất nhiều tiền từ việc đi thuê trụ sở làm việc mỗi năm.
Ngay như khu đất 31-33 Lý Thường Kiệt giao với Hàng Bài, được ngân hàng dự kiến dùng để xây trụ sở chính, ông Hiển cho biết đây là bất động sản đã được ngân hàng mua lại từ lâu. “Riêng khu đất này giờ có tiền cũng không mua được, là đất sổ đỏ, đất ở lâu dài”, ông Hiển nhấn mạnh.
Ông Hiển thừa nhận trong những năm qua, ngân hàng đã báo cáo thành phố, xin phép các cấp ngành để xây dự án văn phòng cao tầng làm trụ sở tài chính trên khu đất nhưng lại gặp vướng mắc về vấn đề chiều cao. Vì vậy, trong năm nay, ngân hàng sẽ chốt lại phương án xây dựng trụ sở, trường hợp theo đúng quy định cho phép là xây 8 tầng ngân hàng cũng sẽ triển khai.
Tại phiên họp, ban lãnh đạo SHB đã trình cổ đông và được thông qua kế hoạch kinh doanh với 2 kịch bản tương ứng với 2 hai mức tăng trưởng tín dụng 10% và 14%.
Với kịch bản tín dụng tăng 10%, SHB dự kiến tổng tài sản đến cuối năm nay sẽ đạt 600.106 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cuối năm 2022. Trong đó, nguồn vốn huy động từ thị trường 1 (ngân hàng với khách hàng) sẽ đạt 456.180 tỷ, tăng 12,05% và dư nợ cấp tín dụng đạt 429.880 tỷ đồng.
Theo đó, SHB dự kiến thu về 10.285 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế theo kịch bản này, tăng 6% so với kết quả năm vừa qua.
Trong trường hợp dư nợ tín dụng năm nay tăng 14%, SHB dự kiến tổng tài sản sẽ là 606.500 tỷ đồng, tăng 10,1%; nguồn vốn huy động thị trường 1 sẽ là 467.291 tỷ, tăng 14,8% và dư nợ cấp tín dụng đến cuối năm là 445.126 tỷ đồng.
SHB cũng đặt mục tiêu lợi nhuận theo kế hoạch này đạt 10.626 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2022.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm