Đại diện MB cho biết, năm 2023 kinh tế thế giới được dự báo còn có nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo ở mức 2,9% thấp hơn đáng kể so với mức 3,4% năm 2022 và thấp hơn mức bình quân 3,3% của thập kỷ trước đại dịch.
Trong bối cảnh đó, ngân hàng đặt mục tiêu lãi trước thuế hợp nhất năm 2023 đạt 26.100 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022.
Tổng tài sản của MB ước tăng 14% lên 830.000 tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ tín dụng dự kiến đạt 583.600 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022 và phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Huy động vốn ước đạt 591.000 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của MB đạt 728.532 tỷ đồng, tăng 20% so với cuối năm 2021. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 26,7% lên hơn 460.000 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 15,3% đạt 443.605 tỷ đồng.
Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 54% lên 5.030 tỷ đồng, trong đó dư nợ nhóm 5 ở mức 2.293 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần so với cuối năm 2021 (819 tỷ đồng), qua đó tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,9% lên 1,09%.
Tại đại hội, MB trình tới các cổ đông phương án tăng vốn điều lệ từ 45.339 tỷ đồng lên 53.683 tỷ đồng bằng phương thức phát hành hơn 680 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 15% (tăng vốn thêm 6.800 tỷ đồng) và phần còn lại thực hiện theo kế hoạch đã được thông qua tại đại hội thường niên năm ngoái.
Nguồn để thực hiện trả cổ tức được lấy từ lợi nhuận sau thuế để lại luỹ kế MB của năm 2022. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối luỹ kế riêng MB sau khi trích lập các quỹ năm 2022 dự kiến là 12.151 tỷ đồng. Thời gian cụ thể trong năm 2023.
MB cũng cho biết ngân hàng đã chuẩn bị, xây dựng, báo cáo phương án chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại theo quy định và triển khai một số giao dịch hợp tác, hỗ trợ ngân hàng thương mại đó.
MB đã và đang triển khai một số giao dịch hợp tác, hỗ trợ ngân hàng thương mại đó theo định hướng chỉ đạo của NHNN, nhằm chuẩn bị cho việc MB nhận chuyên giao bắt buộc. Theo một số nguồn tin, OceanBank là khả năng sẽ là ngân hàng được nói đến trong các phương án nói trên.
Trả lời câu hỏi cổ đông về quy mô cho vay và trái phiếu của Novaland, Hưng Thịnh, Trung Nam là bao nhiêu? Phó Tổng giám đốc thường trực Phạm Như Ánh “xin phép không được cung cấp thông tin số dư cụ thể các khách hàng này vì đây là quy tắc bảo mật thông tin với khách hàng”, tuy nhiên, ông Ánh cũng nói thêm với Tập đoàn Hưng Thịnh, MB không cho vay dự án, không sở hữu trái phiếu, có một chút cho vay về lĩnh vực xây lắp.
Còn Novaland là đối tác bất động sản lớn với nhiều bên, MB có cho vay và phát hành trái phiếu cho Novaland. “Chúng tôi quản lý đánh giá theo từng dự án cụ thể. Tính đến hiện tại số dư trái phiếu doanh nghiệp của Novaland đã giảm khá lớn, không còn nhiều như số đầu năm. Toàn bộ các dự án này chúng tôi đều cho vay và quản lý tới nhà thầu và KHCN. Hiện chúng tôi vẫn quản trị tiền trên tài khoản để thu đủ gốc và lãi và dự kiến là không có áp lực nợ xấu trong năm 2023”, ông Ánh tiết lộ.
Với Tập đoàn Trung Nam, cho vay và trái phiếu của Trung Nam đang được hấp thụ vào dự án điện mặt trởi. Hiện vẫn trả nợ đủ, không có nợ xấu trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Chủ tịch Lưu Trung Thái khẳng định “MB không ưu tiên gì đặc biệt với Novaland, chúng tôi không có đầu tư gì với Novaland. MB là chủ nợ đứng thứ 4 -5 trong cho vay Novaland”.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm